Chiều 25/6, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Tổ chức Oxfam, Tổ chức Prakarsa, Liên minh Thuế và công bằng tài chính châu Á (TAFJA), Liên minh Công bằng thuế Việt Nam (VATJ) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN - trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.”
Theo kết quả nghiên cứu, các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên hầu hết lại ghi nhận mức thu ngân sách tương đối thấp.
Tỷ lệ thu ngân sách trung bình là 19,1% GDP năm 2018, chưa bằng một nửa so với mức trung bình ở các nước trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thấp hơn khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Điều này là do nguồn thu ngân sách chủ yếu của các quốc gia thành ASEAN phụ thuộc vào thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng đang dần mất đi bởi việc cung cấp ưu đãi thuế lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN - trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.”
Thực tế đáng lo ngại nhất là việc thiếu hụt ngân sách cho các khoản chi này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực vẫn đang đối mặt với áp lực tài khóa. Hầu hết các nước thành viên ASEAN đều có mức thâm hụt ngân sách trong một thời gian dài. Malaysia, Myanmar, và Lào đều thâm hụt ngân sách trong tất cả các năm của giai đoạn 2000-2020 (21 năm). Việt Nam, Campuchia, Indonesia, và Philippines có từ 17 đến 20 năm thâm hụt ngân sách trong giai đoạn này.
Chỉ tính riêng năm 2018, sáu quốc gia thành viên ASEAN có mức thâm hụt ngân sách lớn và một số quốc gia ghi nhận mức nợ công cao. Tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài và nợ công cao sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể khi các nước tăng chi tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Các nước ASEAN dự kiến phải đối mặt với thâm hụt ngân sách với tỷ lệ trung bình 4,2% GDP năm 2020.
Thạc sỹ Phạm Văn Long, nghiên cứu viên VEPR cho biết, nếu các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục sử dụng ưu đãi thuế như như một công cụ nhằm cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ dẫn đến khả năng đáp ứng hạn chế của ngân sách và tiếp tục gây ra thâm hụt ngân sách, gây hệ lụy cho khả năng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ công như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và quản trị.
Trong khi đó, không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng FDI tại ASEAN. Thậm chí, ưu đãi thuế đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Như tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp đối với các công ty có nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất là 8% trong năm 2016; đối với các doanh nghiệp trong nước ở mức 14,5% và thậm chí hơn 16% đối với các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô vốn lớn.
Hiện các quốc gia thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn với các nhà đầu tư. Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020.
Ngoài ra, một số nước thành viên ASEAN áp dụng thời gian ân hạn thuế lên tới 20 năm và các ưu đãi khác dựa trên lợi nhuận để kéo thấp thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp.
Báo cáo cũng nhấn mạnh các nước ASEAN đã và đang tạo ra sự khác biệt lớn về kinh tế vĩ mô và có thể khiến tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng bởi cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế. Mỗi quốc gia theo đuổi lợi ích riêng của mình thông qua các chính sách tài khóa và chưa có cam kết để chống lại cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR, những ưu đãi thuế này mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn lớn mà bỏ qua phúc lợi của người dân châu Á. Việc làm này cần phải được chấm dứt.
ASEAN cần đưa ra một danh sách đen về các loại hình ưu đãi thuế không được phép sử dụng; đồng thời tạo một ranh giới rõ ràng và nói không với những thực hành thuế có hại đang gây xói mòn ngân sách quốc gia. Nếu cần thiết, chỉ cho phép áp dụng ưu đãi thuế cho các đầu tư mang lại lợi ích cho người dân và không được áp dụng cho một ngoại lệ nào khác.
Để hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN, các chuyên gia đưa ra 4 khuyến nghị, đó là:
Thứ nhất, ASEAN cần lập danh sách đen và danh sách trắng về ưu đãi thuế. Trong đó, ASEAN cần áp dụng một cơ chế khu vực giám sát các chính sách thuế và cùng đồng thuận những ưu đãi nào nên được liệt kê vào danh sách đen hoặc danh sách trắng.
Thứ hai, ASEAN cần thiết lập mức thuế suất tối thiểu trong nội khối. Trước hết, ASEAN cần chấm dứt cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế. Mức thuế suất thực nộp tối thiểu nên được ASEAN thảo luận một cách kỹ lưỡng và nên quanh mức từ 12,5% đến 20%.
Thứ ba, ASEAN cần thống nhất các quy định về quản trị tốt các ưu đãi thuế. Trong mọi trường hợp, bất kỳ ưu đãi thuế nào cũng phải có một thời gian áp dụng rõ ràng và ngày kết thúc được quy định trong luật.
Thứ tư, tất cả quốc gia thành viên ASEAN nên công bố báo cáo chi qua thuế hàng năm một cách minh bạch, và công bố cùng với báo cáo ngân sách quốc gia hàng năm.
Minh Anh