Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt gây ra tình trạng thiếu và suy giảm chất lượng nguồn nước.
Hiểu được vấn đề nghiêm trọng này tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Có những biện pháp mạnh để người dân không vứt rác bừa bãi, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch,....
Bên cạnh đó, sử dụng phải đi đôi với bảo vệ, tránh lãng phí, nêu cao tinh thần tiết kiệm khi sử dụng nước sạch. Kiểm tra, cải tạo đường ống, bể chứa nước chống thất thoát nước.
Đến hết năm 2019, tỷ lệ dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%
Chú trọng công tác quản lý rừng đầu nguồn nhằm bảo vệ nguồn sinh thủy, quản lý xả thải trong công tác khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp và sử dụng nước là một trong những hoạt động tác động đến số lượng và chất lượng nguồn nước sinh hoạt hiện nay.
Xây dựng quy hoạch hợp lý, sát thực tế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của người dân. Công tác lập dự án cần tuân thủ theo quy hoạch về cấp nước và vệ sinh môi trường trên toàn tỉnh đã được duyệt, cần có các đánh giá tác động môi trường; lựa chọn loại hình cấp nước và mô hình quản lý sau đầu tư phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn, phát huy vai trò của cá nhân, tổ chức đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư ở thôn bản, đối với các huyện, xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc tiểu số; tổ chức nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực bằng hoạt động truyền thông vận động xã hội. Không những vậy, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo để tăng cường đội ngũ và hoàn thiện kỹ năng cho truyền thông viên ở cơ sở trong việc tuyên truyền bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước tại cơ sở.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 352 công trình cấp nước tập trung, 97.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ đang hoạt động, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 600.000 người dân nông thôn. Đến hết năm 2019, tỷ lệ dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%, dự kiến đến hết năm 2020 đạt 91%, tiến tới đạt tỷ lệ dân số có 95% người dân nông thôn được tiếp cận nước sinh hạt hợp vệ sinh vào năm 2025.
Tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 4 /12/2019, theo đó, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch này.
Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ gồm những nội dung chính như: Đánh giá tổng quan (hiện trạng tài nguyên nước; hiện trạng khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tác động của việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; tác động của các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và các quy hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xu thế biến động tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội).
Đồng thời, xác định quan điểm quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Bên cạnh đó, định hướng việc xác định khu vực hạn chế, khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước (nếu có); điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; xác định yêu cầu chuyển nước giữa các lưu vực sông; xác định các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nguồn nước quy mô lớn và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Minh Nhật