Đây là hội thảo trực tuyến lần thứ 3 liên tiếp trong vòng một tháng về thị trường Ấn Độ do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các bên liên quan tổ chức. Theo Ban tổ chức, mục đích hội thảo nhằm tạo ra cầu nối giữa cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp trong nước về các triển vọng thương mại cũng như cơ hội đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ.
Ấn Độ và Nepal hiện đang là đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam
Hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam và Ấn Độ có tính bổ trợ, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt quả thanh long và cá ba sa rất được ưa chuộng tại Ấn Độ. Các sản phẩm hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại gia vị, quế hồi, thảo quả, đinh hương còn nhiều dung lượng để phát triển thị trường.
Chính phủ hai nước đều nhận thấy trong giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi giá trị trong các ngành hàng dệt may, da giày, thiết bị điện tử, máy móc thiết bị, hàng cơ khí… Nhóm ngành hàng hai nước có thể bổ trợ, tăng cường giá trị gia tăng như: sắt thép, kim loại thường, hóa chất, dược phẩm, nhựa và các sản phẩm từ nhựa…
Đối với Việt Nam, Ấn Độ là thị trường lớn ở khu vực Nam Á với gần 1,4 tỷ dân. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao Ấn Độ với vị thế đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam.
Còn với thị trường Nepal, dù kim ngạch thương mại còn hạn chế nhưng những cơ sở, tư tưởng triết lý kinh doanh hợp tác hai bên có nhiều điểm tương đồng, nhiều lĩnh vực còn để ngỏ những dư địa hợp tác lớn.
Việt Nam và Nepal đều là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đã phát triển quan hệ kinh tế, thương mại tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều còn nhỏ, mới đạt quanh ngưỡng 30 triệu USD/năm. Việt Nam xuất khẩu sang Nepal các mặt hàng chủ yếu là điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hạt tiêu... Các sản phẩm nhập khẩu là chất thơm, mỹ phẩm, các sản phẩm vệ sinh và một số hàng hóa khác.
Do vậy, có thể nhận thấy để tiếp cận thị trường Ấn Độ và Nepal thì một trong những kênh quan trọng và nhanh chóng là thông qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal. Cộng đồng này chính là kênh phối hợp quan trọng với các doanh nghiệp trong nước để đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhanh và sâu vào Ấn Độ và Nepal. Theo ước tính của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, hiện có khoảng 500 người Việt Nam tại Ấn Độ và 40-50 người Việt Nam tại Nepal. Đây là đội ngũ có kinh nghiệm, nắm rõ thị trường nước sở tại, vì vậy họ sẽ chỉ rõ cho doanh nghiệp Việt Nam cách tiếp cận thị trường hợp lý, hiệu quả, giúp tiết giảm các chi phí tiếp cận thị trường.
Tại hội thảo các đại biểu hy vọng các doanh nhân, trí thức kiều bào với những kinh nghiệm sẵn có cộng thêm nắm rõ thị trường nước sở tại sẽ là lợi thế rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận thị trường Ấn Độ và Nepal một cách hợp lý và hiệu quả.
Từ năm 2016 đến năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng 2,06 lần từ 5,43 tỷ USD lên 11,21 tỷ USD; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD lên 6,67 tỷ USD; nhập khẩu tăng 1,65 lần từ 2,75 tỷ USD lên 4,54 tỷ USD. Việt Nam đã chuyển từ nước nhập siêu với giá trị lớn sang xuất siêu 2,1 tỷ USD năm 2019 sang Ấn Độ. Mặc dù vậy, các con số tăng trưởng này còn thấp so với kỳ vọng của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam.
Yên Thư