Giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Thế hệ trẻ khẳng định vai trò tại Quốc hội |
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nguồn ảnh: dangcongsan.vn |
Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn khi ngân sách cạn kiệt, hơn 90% người dân còn mù chữ, nạn đói hoành hành, thù trong giặc ngoài đang nhăm nhe lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ, vận mệnh của Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng cuộc Tổng tuyển cử dân chủ và văn minh đầu tiên ở Việt Nam vẫn được tổ chức thành công, khẳng định "tin dân và dân tin", biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Việc chọn người hiền tài ra ứng cử (như Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu quốc số 130 ngày 31/12/1945) đã thực sự chọn được “những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”.
Kết quả là trong 14 năm của khóa Quốc hội đầu tiên (1946-1960) đã hình thành một thế hệ lãnh đạo đưa thế nước từ “ngàn cân treo sợi tóc” đến vững bước trong công cuộc kháng chiến kiến quốc (1946-1954) và tìm ra phương cách cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1975).
Hoàn cảnh những năm 2016-2021-nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV- có nhiều khác biệt, không phải đặc thù như thời trứng nước của nền dân chủ cộng hòa, mà đến những diễn biến khôn lường của toàn cầu.
Cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 14 (ngày 22/5/2016) vẫn theo mục tiêu được chỉ dẫn từ 70 năm trước: Chọn người hiền tài ra làm việc nước là những người “quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”; kết quả là có những đại biểu quốc hội thật xuất sắc.
Khi nhìn lại quá trình làm “người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”, các đại biểu Quốc hội khóa XIV đánh giá Chủ tịch nước “đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
Thủ tướng Chính phủ đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu Chính phủ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội “năng động, sáng tạo, nhiệt tình, sắc sảo, tâm huyết”, có bản lĩnh của người đứng đầu trong hoạt động chất vấn, giám sát của Quốc hội, lãnh đạo, điều hành Quốc hội với những đổi mới, sáng tạo và nhiều thành tựu…
Thành quả một nhiệm kỳ Quốc hội tạo ra tiền đề, nền tảng phát triển cho Quốc hội trong thời gian tới, cũng nhằm “bàn giao những điều tốt đẹp nhất cho các đồng chí nhận nhiệm vụ mới".
Đó là những con số tăng trưởng. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Quy mô GDP đạt trên 340 tỷ USD, lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới. Nợ công giảm mạnh xuống 55,3%. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Tổng vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 10 tỷ USD, tăng 18,5%. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tăng 6 lần. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,5% vốn đăng ký. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1%. Xuất siêu trên 2 tỷ USD…
Xác lập phong cách mới. Chính phủ đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp, tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn; đã nỗ lực thúc đẩy cải cách thể chế, trong đó tập trung vào 2 mũi giáp công là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ đã vượt qua khó khăn để khẳng định uy tín của mình, sự đúng đắn khi kiên trì chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, nhất là giúp “tăng trưởng” niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Ðảng, Nhà nước, bộ máy chính quyền. Người đứng đầu Chính phủ đến địa phương nào cũng nêu những câu hỏi về khát vọng phát triển và luôn nhấn mạnh yêu cầu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đúc rút thành những kinh nghiệm. Trước sóng gió với những biến động bất ngờ cả bên trong và bên ngoài (sự cố môi trường biển Formosa ở miền Trung, hạn hán lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc; dịch tả lợn châu Phi năm 2019; dịch COVID-19, lũ lụt lịch sử miền Trung năm 2020…), Chính phủ đã có “chìa khóa” để “hành động”, “kiến tạo”, “phục vụ” “quyết liệt” mới giải được các bài toán khó khăn. Ở đâu có điểm nóng, ở đâu có vấn đề lớn, Thủ tướng đều nhanh chóng có mặt hoặc cử lãnh đạo Chính phủ đến tận nơi tìm hiểu vấn đề và chỉ đạo; xuất hiện mô hình Tổ công tác của Thủ tướng làm nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, giảm tối đa nhũng nhiễu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, đôn đốc các cơ quan liên quan không chậm trễ, bỏ quên, bỏ sót việc, làm việc với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm, góp phần tạo đột phá, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống hành chính Nhà nước.
Hình ảnh 1 phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, tháng 3/2021. Ảnh: VGP |
Nhìn lại lịch sử, Quốc dân Đại hội Tân Trào trong 2 ngày (16-17/8/1945) đã thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng (có vị trí như Chính phủ lâm thời), thông qua Chương trình Việt Minh 10 điểm (có giá trị như Hiến pháp tạm thời) đưa “Toàn quốc đồng bào” nhất tề “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm (1946-1960) đưa đất nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Miền Bắc được giải phóng, đi lên CNXH làm hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Quốc hội khóa II (1960-1964) và Quốc hội khóa III (1964-1969) thực hiện sự nghiệp chung của toàn dân tộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Quốc hội khóa V (1975-1976) chỉ trong 1 năm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Quốc hội khóa VI (1976-1981) mở ra hành trình mới với quốc hiệu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội khóa VIII (1987-1992) bắt đầu công cuộc đổi mới với quá trình từ cơ chế hành chính quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Tiếp tục đà phát triển, Quốc hội khóa XIV (2016-2021) kiến tạo những dấu ấn đặc biệt, tạo thành chỉ dấu mới cho thời kỳ phát triển mạnh mẽ, chuyển giao thế hệ lãnh đạo, tiếp tục đưa con tàu Việt Nam đến mục tiêu phồn vinh thịnh vượng trong tương lai không xa.