Nghề giáo và những nỗi lo về sức khoẻ Thức đêm soạn giáo án và nỗi áp lực vô hình của giáo viên Đắk Lắk: Hơn 1.000 học sinh và giáo viên được hướng dẫn phòng cháy chữa cháy và phòng chống đuối nước |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Lựa chọn nghề giáo, không chỉ là sự dũng cảm, dấn thân mà trên hết là tình cảm yêu thương vô bờ bến đối với các em học sinh, đối với tương lai. |
Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; cùng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu được tuyên dương năm 2023.
Phát biểu tại chương trình, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc tốt đẹp, lòng biết ơn chân thành đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục trên khắp mọi miền đất nước.
Phó Thủ tướng khẳng định, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài chính là những giá trị nhân văn sâu sắc của mỗi dòng họ, làng quê và của cả dân tộc.
Công lao dạy dỗ của người Thầy vốn chỉ đứng sau ơn đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Thầy vĩ đại của dân tộc trong bức thư gửi cho ngành giáo dục đã nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang".
Theo Phó Thủ tướng, quá trình hội nhập, phát triển của đất nước đã tạo ra rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Đứng trước những lựa chọn phong phú đó, nhiều người vẫn chọn nghề giáo cho dù biết rõ những khó khăn, thách thức đặc trưng của sự nghề giáo, như thu nhập không cao, điều kiện làm việc khó khăn, nhiều áp lực… Và thật đáng quý, khi nhiều học sinh giỏi, trong đó có những em đạt giải quốc gia, quốc tế vẫn quyết tâm lựa chọn học sư phạm, làm giáo viên.
“Lựa chọn nghề giáo, không chỉ là sự dũng cảm, dấn thân mà trên hết là tình cảm yêu thương vô bờ bến đối với các em học sinh, đối với tương lai. Nếu không như vậy có lẽ các thầy, các cô không thể trèo đèo, lội suối, băng rừng đến với các em nhỏ ở thôn bản xa xôi điểm trường heo hút, hay vượt qua bao tất bật lo toan cuộc sống tất bật hàng ngày nơi đô thị để vững tin trên bục giảng”, chia sẻ điều này, Phó Thú tướng đồng thời khẳng định: Điều đó đòi hỏi trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với nền giáo dục, với đội ngũ những người làm công tác giáo dục.
Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường đã khiến truyền thống tôn sư, trọng đạo bị mai một ít nhiều. Ở đâu đó đã có những méo mó, làm mất đi sự tôn nghiêm, trong sáng vốn có của tình thầy trò, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường, giữa phụ huynh - giáo viên.
Vì vậy, nghề giáo, nhà giáo cần nhận được sự tôn trọng đúng mức hơn của cả xã hội. Không chỉ là những lời chúc hoa mỹ, những bó hoa trong ngày 20/11, mà phải là nhận thức chung của cả xã hội dành cho nghề giáo, nhà giáo.
"Điều đó đòi hỏi trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với nền giáo dục, với đội ngũ những người làm công tác giáo dục", Phó Thủ tướng nói và cho rằng giáo dục không phải là một dịch vụ, một loại hình hay một sản phẩm kinh doanh. Nghề giáo là một nghề hết sức đặc biệt bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn, trí tuệ và thể chất của con người và của tương lai. Nhà giáo cần được tạo môi trường thuận lợi nhất có thể để yên tâm dạy học. Môi trường sư phạm ở các nhà trường, cơ sở đào tạo phải là môi trường tốt đẹp nhất, nhân văn nhất, nơi chỉ có niềm tin, tình yêu và những bài học để trở thành người. Muốn vậy, nhà giáo phải được đãi ngộ xứng đáng với điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học phải được ưu tiên, quan tâm đầu tư hơn nữa.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình. |
Cũng tại chương trình, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định chủ đề “Tôi chọn nghề giáo” rất phù hợp với dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay. Ông thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT gửi tới toàn thể các nhà giáo, cựu giáo chức, các cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học lời chúc mừng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới toàn thể những người đã và đang chọn nghề dạy học làm sự nghiệp của mình, dù với bất cứ nhân duyên hay lý do nào; đồng thời ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của tất cả các cô giáo, thầy giáo, cả những điều đã được xã hội biết tới và những điều thầm lặng không ai biết tới.
“Ngày 20/11 là ngày tri ân các nhà giáo, như một đạo lý và nét đẹp văn hóa. Nhưng ngành Giáo dục và đào tạo cũng xác định, dịp 20/11 hàng năm là dịp mà toàn ngành bày tỏ và nói lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tới toàn thể phụ huynh, tới các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, tới toàn thể nhân dân, xã hội, với đời - bởi nhà giáo vinh dự có một nghề vinh quang và đang được đặc biệt quan tâm chăm chút, được coi là quốc sách hàng đầu và đột phá chiến lược để phát triển đất nước”, Bộ trưởng chia sẻ.
Chương trình “Thay lời tri ân” 2023 chủ đề “Tôi chọn nghề giáo” là những câu chuyện của những thầy cô giáo từ bậc mầm non tới đại học với câu chuyện lựa chọn nghề giáo và hành trình để giữ trọn tình yêu, sự tâm huyết với “nghề mình đã chọn”.
Đó là những thầy giáo mầm non đến từ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Trong số 17 thầy giáo mầm non của huyện Bá Thước có thầy đã gắn bó với công việc “tưởng chừng chỉ dành cho nữ” này được 33 năm. Theo thầy giáo, dù là nam giới nhưng với tâm huyết và luôn coi học sinh như con em mình thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua và làm tốt công việc của mình.
Cô giáo Đặng Thị Ngọc Hà (áo dài đỏ) và học trò trên sân khấu chương trình. |
Đó là câu chuyện của cô giáo Đặng Thị Ngọc Hà, giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), với những lời phê đầy yêu thương, khích lệ học trò trong từng bài kiểm tra, qua đó cô đã thổi vào tâm hồn học sinh niềm yêu thích đam mê đối với môn Văn một cách rất tinh tế, thông minh.
Tham gia chương trình, cô Hà chia sẻ: Từng là học trò, trong những năm đi học tôi bất ngờ khi nhận được bài kiểm tra của cô giáo. Ngoài những dòng chữa lỗi cho điểm là dòng chữ “Cố lên Hà nhé!”. Tôi đã nhận được yêu thương từ cô giáo và muốn mang yêu thương gửi đến học sinh của mình.
Hay còn là câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Như Yến, giáo viên Trường TH&THCS Lê Quý Đôn, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Cô Yến được biết đến là người mẹ có "đông con nhất", bởi nhiều năm qua cô luôn dành tất cả tình yêu nghề, đón đưa học trò về nhà chăm sóc, dạy học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay tại chương trình là cuộc gặp gỡ giữa cô Nguyễn Thị Như Yến và cô giáo Đinh Thị A Nênh, giáo viên Trường TH&THCS Lê Lợi, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Cô giáo Đinh Thị A Nênh là học trò của cô Yến ngày nào và chính cô Yến với tình yêu với học trò đã truyền càm hứng cho cô giáo Đinh Thị A Nênh đi theo nghề giáo.
Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2023 với chủ đề “Tôi chọn nghề giáo” khép lại bằng gửi gắm của những người thầy đi trước với thế hệ trẻ đang và sẽ lựa chọn nghề giáo hôm nay; đó còn là niềm hy vọng về thay đổi, sự quan tâm tương xứng dành cho nghề giáo để mỗi người thầy có thể vững tâm với con đường mình đã lựa chọn.
Giáo viên mầm non không tham gia BHXH có được nhận hỗ trợ? |
Nghề giáo và những nỗi lo về sức khoẻ |
Thức đêm soạn giáo án và nỗi áp lực vô hình của giáo viên |