Trình Quốc hội 4 chuyên đề trong Chương trình giám sát năm 2023 5 điểm đổi mới so với thông lệ trong triển khai Chương trình giám sát năm 2022 Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 |
Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 |
Trước đó, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021; việc xây dựng và triển khai Chương trình giám sát năm 2022 và dự kiến Chương trình giám sát năm 2023.
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 04 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 02 chuyên đề để giám sát tối cao, 02 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể như sau:
Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (dự kiến giao Ủy ban Xã hội chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 |
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, việc xây dựng và triển khai Chương trình giám sát năm 2022, đồng thời đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Giám sát tối cao những vấn đề thiết thực được cử tri quan tâm
Về lựa chọn chuyên đề giám sát, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng với quy trình chặt chẽ chọn lọc từ hàng trăm ý kiến đề xuất, cả 4 nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn trình xin ý kiến Quốc hội rất đúng, rất trúng và đều là những vấn đề hết sức quan trọng.
Lựa chọn chuyên đề 3 và chuyên đề 4 để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí phân tích: Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 đã được thực hiện thời gian dài nên cần phải giám sát.
Hơn nữa, vấn đề đổi mới chương trình và đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nội dung cốt lõi của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông và có tầm quan trọng và ý nghĩa hết sức to lớn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội |
Tuy nhiên, trên thực tiễn cho thấy cử tri đang rất bức xúc về các chương trình giáo dục phổ thông có nhiều điểm không phù hợp. Sách giáo khoa khi thì in sai, ngôn từ còn nhiều chỗ không phù hợp, hình ảnh chưa được chuẩn mực.
Có quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng cho nên gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn cho cả phụ huynh và cả các trường, các sở giáo dục. Đặc biệt, sách giáo khoa không được sử dụng lại nên hằng năm cả xã hội vẫn phải tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua sắm sách mới, gây khó khăn lớn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt những gia đình nghèo có con đi học.
Có cùng lựa chọn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng cho rằng việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. Từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết thêm, thực tế còn một số vấn đề được báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra từ kỳ họp trước nhưng chưa được giải quyết như là những sai sót trong cả 3 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng |
Cùng với đó là những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa; vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa…Đại biểu cho rằng, những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết.
Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, qua giám sát giúp Quốc hội rà soát để xem xét có thể điều chỉnh các Nghị quyết hoặc bổ sung chính sách nếu cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khi đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tại 8 huyện, thành phố, cử tri đều có ý kiến về nội dung này. Mặc dù thời gian qua Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức một số cuộc giám sát và tọa đàm chuyên gia về nội dung này, nhưng cần phải đưa việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông để giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023, nhằm đưa ra những đánh giá tổng thể, toàn diện và kịp thời tìm ra những giải pháp thiết thực để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong những năm tới.
Các đại biểu |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất lựa chọn các chuyên đề khác để tiến hành giám sát tối cao. Như về chuyên đề 4 việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển nguồn năng lượng giai đoạn 2021-2026, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng đây là vấn đề cần thực hiện giám sát tối cao khi đất nước ta đang đứng trước những thách thức lớn về nhu cầu đủ năng lượng cho sinh hoạt của trăm triệu dân và để phát triển kinh tế. Đồng thời, nước ta đang đứng trước đòi hỏi cấp thiết về việc chuyển đổi nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời sinh khối,…
Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cũng cho rằng lựa chọn chuyên đề 4 có ý nghĩa quan trọng khi vấn đề bảo đảm điện cho phát triển cũng như thực hiện chỉ tiêu phát thải ròng. Việc chậm phê duyệt Quy hoạch điện VIII cũng ảnh hưởng đến các ngành khác. Do đó, việc Quốc hội nên đưa vào chương trình giám sát tối cao để tìm cách đồng hành cùng với Chính phủ, thể hiện chủ trương Quốc hội sẽ sẵn sàng đồng hành với Chính phủ để giải quyết những vấn đề lớn, những vấn đề trọng điểm của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp |
Cũng có đại biểu Quốc hội đề xuất lựa chọn chuyên đề 2 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là phát triển bền vững và trong quá trình phát triển kinh tế với tốc độ rất cao 6,5% - 7% thì một thành tố rất quan trọng đó là phát triển xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng nghèo chủ yếu là nằm ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu cho rằng, để thực hiện các mục tiêu đề ra, không làm tăng khoảng cách giàu - nghèo thì Quốc hội nên tập trung giám sát tối cao về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở thảo luận tại hội trường và kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội 2023 và Nghị quyết về thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội trong kỳ họp.