Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Nguyễn Tuấn Anh - Bộ Công thương |
Tại Hội thảo, cho biết về tổng quan ngành năng lượng Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách then chốt cho phát triển năng lượng bền vững với bốn trụ cột chính là: Năng lượng tái tạo; Tiết kiệm năng lượng; Thị trường năng lượng và biến đổi khí hậu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn còn nhiều rào cản như: cần hoàn thiện và ổn định cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ giá và nội địa hóa công nghệ; Chi phí đầu tư cao; Năng lượng và trình độ công nghệ sản xuất trong nước còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và tuổi thọ thấp, chưa sản xuất được các thiết bị trung tâm của hệ thống... Dó đó, để phát triển năng lực tái tạo cần thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế khuyến khích chính sách giá ưu đãi mua điện Feed-in-Tariff (Fit),… Đồng thời hoàn thiện khung pháp lý, thu hút nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân, nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo được lựa chọn thông qua đấu thầu;...
Trưởng Ban Hợp tác phát triển Kristina Buende - Phái đoàn EU |
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tình hình phát triển năng lượng và kinh nghiệm trong việc đối phó với khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu, Trưởng Ban Hợp tác phát triển Kristina Buende cho biết, trọng tâm trong chính sách ứng phó của EU là tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Thỏa thuận Xanh Châu Âu là tiền đề và trung tâm của Chính sách Năng lượng của EU. EU đặt trọng tâm lớn vào các nguồn năng lượng sạch hơn, chẳng hạn như thúc đẩy năng lượng tái tạo và hydro carbon thấp.
Trưởng Ban Hợp tác phát triển Kristina Buende nhấn mạnh, tất cả các thành viên của EU đang nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy các phương pháp tiếp cận tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng. Hầu hết những biện pháp mà Liên minh Châu Âu thực hiện nhằm hướng tới một ngành năng lượng bền vững và an toàn, cho phép tiếp tục tăng trưởng và phát triển con người đều có thể xem xét và áp dụng tại Việt Nam.
Để ứng phó với những khó khăn, bà Kristina Buende cho biết, “chúng tôi đang ứng phó bằng các hành động cụ thể và phù hợp, với các biện pháp ngắn hạn và trung hạn, thực hiện cách tiếp cận tích hợp của EU với các Quốc gia Thành viên của chúng tôi. Chúng tôi đang nhanh chóng đa dạng hóa lĩnh vực năng lượng của mình, tập trung vào quá trình chuyển đổi và tìm nguồn cung ứng năng lượng sạch.”
Khẳng định đây là một quá trình lâu dài và cần có cam kết chính trị, sự can thiệp thị trường cũng như các giải pháp kỹ thuật, bà Kristina Buende cũng lưu ý, cần xem xét tình hình địa chính trị đang phát triển và tác động của nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên toàn thế giới, điều cốt yếu là phải hành động ngay bây giờ. EU sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững thực sự, vì lợi ích của an ninh năng lượng lâu dài và phát triển con người không ngừng.
Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall cho biết, Australia có những nguồn năng lượng tái tạo chất lượng cao, khả năng nghiên cứu và các khoáng sản quan trọng để trở thành một cường quốc công nghiệp sạch, tạo ra hàng nghìn việc làm, chủ yếu ở các địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, Australia cũng phải đối diện với những thách thức hiện hữu như: cơ sở hạ tầng năng lượng đã cũ và hệ thống lưới điện cần được đầu tư đấng kể để đáp ứng được tỷ trọng năng lượng tái tạo cao; cần hỗ trợ cộng đồng và thu hút sự tham gia phù hợp của cộng động vào quá trình chuyển đổi năng lượng,…
Phó đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall cũng chia sẻ về kế hoạch toàn diện nhằm giảm lượng phát thải, dự án Hệ thống tích hợp năm 2022, sản xuất điện bằng công nghệ tại Australia;…
Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, Phó đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall nêu rõ, cần lồng ghép các mục iêu khí hậu với việc sản xuất điện, thị trường carbon và công nghiệp; xây dựng niềm tin của thị trường với các thể chế và quy định về xếp hạn đầu tư/độc lập. Ngoài ra, việc điều chỉnh phù hợp những khác biệt xung quanh các mục tiêu và quỹ đạo phát thải sẽ là chìa khóa cho tiến trình xây dựng chính sách. Cần phải có sự đồng thuận để cân bằng những kỳ vọng khác nhau của các bên liên quan;…
Đại diện Ngân hàng Thế giới |
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cũng lưu ý, đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch diễn ra công bằng và bình đẳng cho mọi thành viên trong xã hội; giảm chi phí năng lượng tiêu dùng, tăng cường an ninh năng lượng và giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính;…
Trước đó phát biểu tại Hội thảo, đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ “định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 -2030 là chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu…; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường.”
Trên tinh thần định hướng của Đảng, tại hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hợp quốc tế về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết: Việc Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Tuyên bố tại COP26 là một bước đột phá của Chính phủ, tương xứng với mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao đến năm 2045 và phù hợp với việc hội nhập toàn cầu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì hội thảo |
Để đạt được mục tiêu này, việc phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều… được coi là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng. Đây là một trong những "chìa khoá" thành công của điện gió, điện mặt trời cho Việt Nam, khi tỷ trọng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện ngày càng cao.
Nhấn mạnh điều này, đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết, Ủy ban Đối ngoại tổ chức hội thảo nhằm thể hiện sự đồng hành của các cơ quan của Quốc hội đối với các cơ quan của Chính phủ trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, chủ động tham mưu và cập nhật thêm kiến thức về phát triển năng lượng với mục tiêu phát triển bền vững.../.