Theo nội dung Công văn số 2943/UBND-KHVX, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 bảo đảm hiệu quả.
Trong đó, nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 14/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 1/6/2017 của UBND thành phố về khắc phục các hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP, vận động người dân nâng cao ý thức bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh tiêu dùng thực phẩm.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP và tổ chức đánh giá sau 1 năm thực hiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn…
Hà Nội sẽ tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm ATTP
Trong công văn này, UBND thành phố giao Công an thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chú trọng phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến chất lượng sản phẩm thực phẩm, đặc biệt các sản phẩm thực phẩm chay.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thực phẩm, xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, hàng nhái, hàng giả lưu thông trên thị trường đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm chay.
Như Thương hiệu & Sản phẩm đã đưa tin, mới đây UBND thành phố Hà Nội cũng đã có Báo cáo số 169/BC-UBND, kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) quý II/2020.
Qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 83.712 cơ sơ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.000ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát.
Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Tổng số nhân lực làm công tác ATTP có khoảng 12.000 người, trong đó có khoảng 280 cán bộ chuyên trách ATTP, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm, tham gia vào công tác ATTP.
Trong quý II/2020, toàn thành phố Hà Nội cũng cấp được 301 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 178 giấy tiếp nhận công bố, 35 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, 85 giấy xác nhận kiến thức, tiếp nhận 2.028 bản tự công bố sản phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP cũng được chú trọng quan tâm. Trong quý II/2020, thành phố tổ chức trên 800 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, triển khai quyết liệt hoạt động thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP. Theo đó, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 27.727 lượt cơ sở, phát hiện cơ sở vi phạm, phạt tiền là 1.905 cơ sở với số tiền phạt là 6,94 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xây dựng các mô hình điểm, chuyên đề về ATTP; siết chặt quản lý giết mổ gia súc gia cầm; triển khai đầu tư phát triển hệ thống chợ, chợ đầu mối…
Minh Nhật