Bảo đảm khen thưởng chính xác, chú trọng người lao động trực tiếp tham gia sản xuất |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đưa ra vấn đề chất vấn |
Quan tâm đến nội dung về nguồn lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề, gây nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề của các ngành kinh tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này? Đồng thời làm rõ kết quả việc triển khai hỗ trợ lao động tự do từ các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP?
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về vấn đề đào tạo kỹ năng nghề, trong thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động đang diễn ra. Đến nay, theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, khoảng trống về việc làm do khủng hoảng chiếm khoảng 205 triệu lao động. Vì vậy, việc đào tạo nghề, đào tạo lực lượng lao động là rất cần thiết.
Để chống tình trạng thiếu hụt lao động, thời gian tới, Bộ cùng các Bộ, ngành hữu quan đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với giải pháp ngắn hạn, trước hết cần tập trung hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và một số nghị quyết của Chính phủ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo ba mô hình: Mô hình thứ nhất là thực hành, sản xuất tại doanh nghiệp, năm học thứ hai, thứ ba tiến hành vừa học vừa làm; Mô hình thứ hai là vừa học lý thuyết vừa làm thực hành tại doanh nghiệp; mô hình thứ ba là tập trung tập nghề theo Bộ Luật Lao động quy định.
Về giải pháp dài hạn, cần thiết phải đổi mới đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trường học thứ hai. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với nhà nước chăm lo đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn |
Về vấn đề lao động gián đoạn, theo Bộ trưởng, để bù đắp lực lượng lao động gián đoạn này, cần thực hiện cả ba giải pháp căn bản: giữ chân lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết lao động. Cụ thể, trong trường hợp cần thiết nhất, có thể huy động sinh viên trường nghề để thực hiện các mô hình trên. Ngoài ra, có thể tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cấp tốc để có thể sử dụng bộ phận thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lực lượng công an nhằm cung cấp, tăng cường có tính chất cấp bách, tạm thời cho một số địa bàn, lĩnh vực, công việc đặc thù cần lực lượng lao động gấp rút. Về dài hạn, cần đào tạo, trách nhiệm doanh nghiệp là cùng với nhà nước chăm lo vấn đề này.
Quan tâm về chất lượng lao động, đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, nêu rõ, tác động kép của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang và sẽ tạo ra thay đổi mạnh mẽ về việc làm, thị trường lao động và người lao động. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ, cần đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước?
Cùng mối quan tâm này, từ điểm cầu Tp. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc gắn kết cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp và thị trường lao động, mô hình dạy nghề theo hợp đồng đặt hàng, đào tạo gắn cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp của Bộ như thế nào?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thứ nhất, tinh thần chung là thực hiện theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai, đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng. Thứ ba, gắn kết chặt chẽ nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp. Thứ tư, phấn đấu thực hiện mục tiêu vận động các bậc cha mẹ ủng hộ con cái học nghề, làm sao để vừa tuyên truyền, nhưng các cơ chế, các thương hiệu tốt ở các trường nghề để học sinh tham gia nhiều hơn vào học nghề.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong quá trình học nghề, sinh viên được học liên thông nếu có nhu cầu. Với trường nghề, khi ra trường, sinh viên phải có việc làm và có thu nhập tốt. Theo tinh thần đó, bám vào những nội dung này, Bộ sẽ xây dựng chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.