Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. |
Tiếp tục chương trình Phiên họp 16, chiều ngày 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Đây là chương trình mới, khó, yêu cầu phải ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được bước đầu, ghi nhận và chia sẻ nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành đã phối hợp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ở trung ương cũng như địa phương để thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc lựa chọn nội dung này làm chuyên đề giám sát cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để đảm bảo các chương trình mục tiêu quốc gia đạt được kết quả như yêu cầu....
Tuy nhiên, có giai đoạn chương trình đã triển khai rất chậm so với yêu cầu, đến nay còn có những đề án chưa ban hành ở một số Bộ ngành. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các Bộ ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm ban hành ngay các đề án, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút kinh nghiệm từ các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, tăng cường cơ chế điều phối, đẩy mạnh truyền thông, tăng tốc thực hiện để đạt được hiệu quả cao hơn nữa.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, đưa ra những cơ chế, giải pháp để đôn đốc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phân bổ vốn, tăng cường kiểm tra giải ngân.
Đồng thời lưu ý rà soát kỹ cơ chế điều phối của Chương trình, việc lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, khả thi, tránh dàn trải nguồn lực, đảm bảo tính khả thi của địa phương trong thực hiện đối ứng vốn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung Phiên họp |
Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ:
Một là, chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương sơ kết đánh giá một năm việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp.
Hai là, đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ba là, bảo đảm nguyên tắc đầu tư công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện.
Bốn là, đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng, có ý nghĩa quyết định; đồng thời huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành; phòng tránh các biểu hiện tiêu cực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, để nhân dân tích cực tham gia trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát Chương trình.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng làm nổi bật những kết quả đã đạt được, bổ sung số liệu để minh chứng, bổ sung thông tin toàn diện về việc thực hiện và đề xuất, kiến nghị; nghiên cứu các nội dung nêu tại báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tới.
Trước đó, tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thông tin, tính đến hết tháng 8/2022, đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chỉ rõ, là một chương trình mục tiêu quốc gia mới, mang quan điểm đầu tư tổng thể nên chương trình rất đa dạng về nội dung chính sách, hình thức triển khai, trong khi quy mô đầu tư cho từng chính sách nhỏ với nhiều định mức quy định khác nhau.
Do đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề xuất cần ưu tiên tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp; hướng dẫn triển khai các hoạt động đầu tư đảm bảo kịp thời, đúng kế hoạch.