Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế
Báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt mục tiêu đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Theo đó, cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, chiến lược, bảo đảm hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy vai trò tham gia vào các dự án quan trọng. Tập trung xử lý doanh nghiệp nhà nước hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả. Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các công ty đa quốc gia.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nội ngành và giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo; bảo đảm an ninh năng lượng. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tập trung thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; bảo đảm an ninh lương thực. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ về tài chính, ngân hàng, giáo dục đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, logistics...; cơ cấu lại thị trường, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, có cơ chế toàn diện thu hút mạnh mẽ khách quốc tế trở lại Việt Nam.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung giải pháp kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính, đánh giá nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cần kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước cả từ phía cầu và chi phí đẩy, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá, phát huy tính tự cường
Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam dựa trên các khung tiêu chí phổ biến của quốc tế, nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu cho rằng, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình khá, trong đó các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp.
Mức độ ảnh hưởng của các 19 cú sốc đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn (hệ số điều chỉnh cú sốc trung bình chỉ khoảng 0,085 điểm) và Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới; cần lưu ý là, rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các chỉ tiêu kinh tế - tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn (khả năng chống chịu giảm xuống) nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.
Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu kiến nghị xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Cụ thể, trên cơ sở khung phân tích ban đầu, Việt Nam nên tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế theo chuẩn quốc tế; công bố kết quả đánh giá về khả năng chống chịu của nền kinh tế định kỳ hàng năm làm cơ sở để rà soát, đối chiếu với kết quả điều hành vĩ mô, kinh tế, tài chính, quản trị rủi ro, năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có điều chỉnh phù hợp, linh hoạt.
TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam |
Cho ý kiến về vấn đề này, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, cần tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách theo hướng chủ động, linh hoạt (nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác) trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn…;
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch ngân sách trung - dài hạn và lạm phát mục tiêu và điều hành theo lạm phát mục tiêu, từ đó có cơ sở đánh giá, lượng hóa chính xác hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt; dùng nhiều công cụ gián tiếp hơn là hành chính; chú trọng kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính – bất động sản…v.v.; Chú trọng các yếu tố bền vững môi trường, ESG trong các Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như của các doanh nghiệp, các ngành và lĩnh vực.
Tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn thông qua các giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, tài chính số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiến tạo đổi mới sáng tạo (đặc biệt là Luật giao dịch điện tử; Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; cơ chế thử nghiệm; quy định về quản lý dữ liệu, chia sẻ dữ liệu trên cổng dữ liệu quốc gia và các nền tảng số…). Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê, đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số là theo giá trị gia tăng, nhằm đảm bảo nhất quán thực hiện.
Quang cảnh Phiên họp |
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cần có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam, tập trung chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển cân bằng thị trường tài chính, tăng mức độ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nội lực, nội địa hóa các yếu tố đầu vào; nhất quán chú trọng tháo gỡ ba rào cản tăng trưởng bền vững là chất lượng thể chế (gồm cả thể chế cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn), hết sức chú trọng giải quyết các điểm yếu về xã hội – môi trường (năng lực y tế, chất lượng giáo dục, giảm khí phát thải và tăng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu…). Ngoài ra, việc xây dựng và nhất quán thực thi Chiến lược an ninh năng lượng, an ninh lương thực gắn với chiến lược phát triển khu vực Đồng bằng sống Cửu Long là hết sức cần thiết.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế, nhất là các nguồn lực về tài chính, công nghệ - kỹ thuật, năng lực chuyên môn – kỹ năng, trong đó cần coi trọng nguồn lực kinh tế tư nhân trong nước, nguồn lực nước ngoài và nguồn lực từ ngân sách, Nhà nước. Quan trọng hơn, sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực đó.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, truyền thông về “văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh, văn hóa tự chủ, tự cường” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để xây dựng và thực hành tốt văn hóa này, có ba điều kiện không thể thiếu, đó là: kiến tạo môi trường khuyến khích, thúc đẩy văn hóa xanh; có cơ chế, chính sách, quy trình cụ thể để khuyến khích cũng như chế tài trong quá trình thực hiện; Tăng cường vai trò lãnh đạo, làm gương của các cấp, người đứng đầu…/.