Dịch bệnh Covid-19 thuộc một trong những trường hợp bất khả kháng. Nó khiến suy thoái toàn cầu, đa diện, các chuỗi cung ứng của các công ty phân bố trên nhiều quốc gia đứt gãy. Các doanh nghiệp, người dân Việt Nam - một đất nước đang phát triển, cũng không tránh khỏi quy luật ảnh hưởng xấu của dịch bệnh. Đa số doanh nghiệp Việt đều bị ảnh hưởng, doanh thu giảm nhanh ở mức rất cao. Người lao động thì nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, thu nhập eo hẹp… thậm chí có người phải nghỉ việc vì doanh nghiệp phá sản.
Sau khi kết thúc lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ, anh Đ.T.T (Thanh Trì, Hà Nội) đã đến Toà soạn THSP trình bày: Cũng như mọi người lao động có mức thu nhập trung bình với tổng mức lương của 2 vợ chồng hơn hai chục triệu đồng mỗi tháng, nên vợ chồng anh dành ra được một phần để tiết kiệm. Dành dụm, tích cóp sau gần 5 năm, cộng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè cùng với số tiền tiết kiệm của mình nên hai vợ chồng anh đã quyết định mua một căn nhà ở khu vực ngoại ô thành phố.
Hai vợ chồng vừa mua nhà được 6 tháng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” thì khó khăn đã ập đến. Sau Tết, dịch bệnh Covid-19 tràn tới đẩy hai vợ chồng vào cảnh mát việc làm, không có thu nhập. Vợ anh làm ở Doanh nghiệp Du lịch nên sau Tết khi Chính phủ công bố dịch bệnh ở Việt Nam cũng là khi chị phải nghỉ việc không lương. Còn anh do đang làm việc trong lĩnh vực Dịch vụ khách sạn nên cũng cầm cự được thêm 1 tháng nữa. Thế là tháng 02/2020 hai vợ chồng anh T đều thất nghiệp.
Vợ chồng anh T ở nhà trông con và nhận làm thêm gia công tại nhà cho các cửa hàng may mặc. Vì mới mua nhà nên khi dịch bệnh gia đình anh T rất khó khăn. Qua nhiều đêm mất ngủ anh T và vợ quyết định vay tiền ngân hàng để trang trải đời sống và mở một cửa hàng tạp hoá. Khi quyết định đem ngôi nhà mới mua ra thế chấp vay vốn ngân hàng gia đình anh rất buồn. Nhưng vì “miếng cơm, manh áo” của hai vợ chồng, hai đứa con nên đành “nhắm mắt, đưa chân”.
Ngân hàng VP Bank Chi nhánh Kinh Đô, Tây Sơn, Hà Nội.
Do hiểu biết hạn chế về vay vốn ngân hàng nên anh T bỏ khá nhiều thời gian lên mạng tìm tòi, so sánh và quyết định chọn Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để vay tiền mở cửa hàng kinh doanh. Chia sẻ lý do vì sao chọn ngân hàng VPBank anh T và vợ ngậm ngùi nói, anh chị tin vào những lời quảng cáo “có cánh” của VPBank: “Nào là đồng hành cùng khách hàng, giải ngân trong 48 giờ, thủ tục đơn giản, công nghệ quản lý đỉnh cao, sự lựa chọn của khách hàng là nguồn sống của chúng tôi”… Nhưng sau những lời quảng cáo có cánh là một sự thật khiến cho người vay đi hết từ bất ngờ này đến ngỡ ngàng khác.
Theo đó, sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ theo tìm hiểu anh đến Phòng giao dịch của ngân hàng VPBank tại Lê Trọng Tấn thuộc chi nhánh Kinh Đô của ngân hàng VPBank để làm thủ tục vay tiền. Anh được chị Y là nhân viên kinh doanh của ngân hàng VPBank tại Phòng giao dịch Lê Trọng Tấn tiếp và hỗ trợ làm các thủ tục. Sau khi nghe trình bày, chị Y nói “anh yên tâm phục vụ khách hàng là trách nhiệm của em mà…”. Được lời như cởi tấm lòng anh T gửi hồ sơ lại cho chị Y và tin tưởng ra về.
Phòng giao dịch của ngân hàng VP Bank tại đường Lê Trọng Tấn, Đống Đa, Hà Nội
Sau hơn một tuần không thấy tin tức của phía ngân hàng VPBank, anh T đến tận trụ sở tìm hiểu. Chị Y nói: “Em đã làm xong hồ sơ cho anh theo hướng vay hộ kinh doanh vay vốn để mở cửa hàng tạp hoá, nhưng Sếp em không đồng ý duyệt. Nếu anh muốn vay em chỉ làm cho anh vay để mua sắm chi tiêu thì được”. Anh T ngơ ngác hỏi “Thế là phải mạo ra hồ sơ à em?”. Với vẻ mặt rất chuyên nghiệp, chị Y trả lời: “Nếu anh muốn được duyệt vay chắc chắn phải làm như thế vì anh không đủ các điều kiện để vay”. Do quá bức bách về kinh tế nên anh T đành nói nhờ chị Y giúp làm hồ sơ khoản vay.
Thống nhất xong, chị Y nói cho anh T cách để có đủ các hồ sơ trình duyệt khoản vay phải làm như thế nào. Cách làm hợp đồng thuê xe khống để đảm bảo nguồn thu và sẽ hỗ trợ làm việc đấy ra sao. Chi tiết các loại giấy tờ cần làm như thế nào để được thông qua hồ sơ khoản vay thế chấp, giấy tờ được “vẽ” ra sao để phù hợp với hạn mức mà khách hàng được phê duyệt khi vay, đều được người nhân viên này nói rất cụ thể.
Chưa hết bức xúc anh Đ.T.T còn cho phóng viên THSP biết thêm một số thông tin. Sau khi, nhờ chị Y giúp nên các giấy tờ do chị này “vẽ” ra nhanh chóng được thông qua như theo một ê kíp. Chị Y còn dặn, khi có nhân viên ở bộ phận kiểm tra của VPBank gọi điện đến số điện thoại của vợ chồng anh T phải trả lời như nào, nói công ty nào là công ty thuê xe, địa chỉ ở đâu, cho thuê bao nhiêu tiền… và nếu được vay thì dùng tiền để mua đồ dùng gì. Theo lời trình bày của anh T mọi việc chuyên nghiệp đến mức khi nào bộ phận thẩm tra VPBank gọi điện kiểm tra, xác nhận thông tin, số điện thoại số bao nhiêu gọi đến, ai là người của ngân hàng gọi hỏi cũng đều được chị Y thông tin trước. Công việc được thực hiện chính xác đồng bộ như người làm đã quen tay, quen việc.
Có lẽ vậy nên khoản vay của anh T nhanh chóng được bộ phận chuyên môn của VPBank phê duyệt chấp thuận. Tưởng rằng mọi chuyện có thể kết thúc, nhưng chị Y nói trường hợp của T muốn được giải ngân theo quy định của ngân hàng VPBank khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ của một công ty Bảo hiểm do VPBank chỉ định. Với thái độ lạnh lùng chị Y chia sẻ “Anh mua bảo hiểm nhân thọ vừa vay được tiền, vừa được bảo hiểm còn gì. Chỉ tốn hơn mười lăm triệu mà được bảo hiểm nhân thọ 12 tháng cộng thêm 02 tháng khuyến mại nữa là được 14 tháng đấy”.
Hợp đồng vay vốn giữa anh Đ.T.T và ngân hàng VP Bank.
Đáng nói, công việc của các ngân hàng đòi hỏi tính đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ rất cao, sai một ly đi một dặm nên các khâu trong nghiệp vụ được phân chia trách nhiệm, giám sát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, PV rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bản hợp đồng cho vay của anh T, phần người đại diện cho VPBank ký đóng dấu ở cuối hợp đồng thì chỉ có chữ ký và đóng dấu chứ không có tên cùng chức danh người bên ngân hàng và bị đóng lệch lạc 1 cách cẩu thả.
Một hợp đồng tín dụng được rất nhiều bộ phận của VPBank kiểm duyệt trước khi phát hành cho khách hàng mà không hiểu sao lại có những lỗi cẩu thả về mặt nghiệp vụ như thế. Nếu ai ít nhất một lần thực hiện giao dịch tại ngân hàng VPBank chắc hẳn đều nghe nhân viên nói khách hàng phải “ký và ghi rõ họ và tên” trên chứng từ giao dịch. Việc ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên, chức danh của người đại diện ngân hàng trong hợp đồng tín dụng theo quy định pháp luật là bắt buộc.
Bản hợp đồng vay vốn không có tên và chức danh của người đại diện ngân hàng theo quy định
Trong giai đoạn cả xã hội đang chung tay chống dịch, Chính Phủ mở gói cứu trợ 60 nghìn tỷ để hỗ trợ người dân bị mất việc, tạm thời nghỉ việc. Ngân hàng Nhà nước đang có những biện pháp rất thiết thực, chỉ đạo hiệu quả để tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hàng nghìn nhà hảo tâm đóng góp cây ATM gạo giúp đỡ người nghèo, gia đình khó khăn, thì một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tài chính, ngân hàng như VPBank lại đang có những hành động phần nào gây phiền hà, không đồng hành cùng người dân.
Đối với một khoản vay cá nhân còn “vẽ” hồ sơ ra “đẹp” như vậy, thử hỏi đối với doanh nghiệp vay hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ thì VPBank sẽ làm như thế nào? Dư luận đang đặt ra câu hỏi đây liệu có phải là mấu chốt của các khoản nợ xấu tăng lên hàng năm tại ngân hàng như số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hay không? Bảo hiểm nhân thọ là một trong nhưng loại bảo hiểm tự nguyện không có bất kỳ quy định nào buộc người tiêu dùng phải mua. Việc bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ vô tình đã đẩy họ phải rơi vào cảnh “nợ chồng nợ”của ngân hàng.
Ngân hàng được ví như mạch máu của nền kinh tế. Vì thế, muốn khôi phục nền kinh tế sau đại dịch thì hoạt động của các ngân hàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp kịp thời nhanh chóng sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Trước những thông tin phản ánh của khách hàng về dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây phiền hà sách nhiễu của ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng xác minh làm rõ, nếu có vi phạm cần kiên quyết xử lý để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng.
Nguyên Phúc - Bảo Ngọc