Giá cà phê tiếp tục giảm mạnh 2.500 đồng/kg, đâu là nguyên nhân? Giá cà phê hiện vô cùng khó lường Thị trường cà phê dự kiến sẽ sôi động hơn trong thời gian tới |
8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 98.000 tấn cà phê. |
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, lượng nhập khẩu cà phê của Việt Nam có xu hướng tăng hằng năm nhằm chế biến phục vụ xuất khẩu dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta số 1 thế giới; và tính chung mọi sản phẩm cà phê, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới sau Brazil (chủ yếu là xuất khẩu cà phê arabica, là loại cà phê có giá trị cao hơn robusta).
Theo VICOFA, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu cà phê nguyên liệu từ Lào. Những nguồn cung cấp khác bao gồm Indonesia, Brazil, Colombia và Ethiopia.
Niên vụ 2022-2023, tổng lượng cà phê được nhập là 102.100 tấn (kim ngạch 300 triệu USD), tăng hơn 14% về khối lượng và 9% về giá trị so với niên vụ 2021-2022.
Theo số liệu từ Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu gần 98.000 tấn cà phê, giá trị 371 triệu USD, tăng gần 42% về khối lượng và tăng 104% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cà phê ngoại trên thị trường rất hiếm, chủ yếu xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm để giới thiệu và giá niêm yết cũng rất cao.
Tại gian hàng Japan Pop – Up Shop "Xin chào Nhật Bản" được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) – Văn phòng TP HCM tổ chức tại Trung tâm thương mại Saigon Centre (quận 1, TP HCM) trong 12 ngày, kết thúc ngày 12/10 này cũng có bày bán 2 loại cà phê "Made in Japan". Đây là những sản phẩm được giới thiệu là đã nhập khẩu chính thức tại Việt Nam, có chất lượng tốt nhưng còn ít người Việt biết đến.
Đây là cà phê chế biến dạng túi lọc với giá 450.000 đồng/120 gram (tương đương gần 4 triệu đồng/kg. So với các dạng cà phê rang xay túi lọc của Việt Nam trên thị trường giá cao hơn 3-4 lần.
Thời gian qua, do nguồn cung cà phê thiếu hụt nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu cà phê từ các nước lân cận để phục vụ cho nhu cầu nội địa cũng như chế biến xuất khẩu, đáp ứng các đơn hàng đã ký.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê là một trong những mặt hàng xuất siêu cao nhất với con số 3,43 tỉ USD và tốc độ tăng cao nhất, đạt 32% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, gỗ và sản phẩm gỗ dẫn đầu với con số xuất siêu 7,3 tỉ USD nhưng tốc độ tăng chỉ 22% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng giải thích nhiều lần rằng đối với những nông sản Việt Nam nằm trong top dẫn đầu xuất khẩu như điều, cà phê và gạo, việc nhập khẩu nhiên liệu thô để chế biến sản phẩm xuất khẩu cũng là điều bình thường.