![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là, phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là "xóa mù" về chuyển đổi số" - Ảnh: VGP |
Sẵn sàng vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/4
Chiều 26/3, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, dự Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số".
Theo lãnh đạo Bộ Công an, với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án 06, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành nền tảng "Bình dân học vụ số" - nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia do Bộ Công an và Đại học Bách khoa triển khai quản lý và vận hành.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật kết nối với các nền tảng số khác nhằm phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Với các tính năng ưu việt, nền tảng "Bình dân học vụ số" đã sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/4/2025.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".
Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp hiệu quả của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan đã tích cực chuẩn bị tốt cho việc triển khai phong trào này, cũng như công tác thông tin, tuyên truyền để phong trào được triển khai sâu rộng, đều khắp ngay sau Lễ Phát động với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không có ai bị bỏ lại phía sau.
"Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình; từ đó, không thể không có phong trào "Bình dân học vụ số"", Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Thực hiện "1 mục tiêu, 2 phát huy, 3 bảo đảm, 4 nhiệm vụ trọng tâm"
![]() |
Thủ tướng nghe giới thiệu về nền tảng “Bình dân học vụ số” - Ảnh: VGP |
Trước đại diện nhiều Bộ, ngành, cùng các sinh viên nhiều trường đại học tại sự kiện, Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện "1 mục tiêu, 2 phát huy, 3 bảo đảm, 4 nhiệm vụ trọng tâm" trong triển khai phong trào.
Trong đó, một mục tiêu là phổ cập tri thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau. "Trong quá trình phổ cập này, mục tiêu là mọi người đều biết chuyển đổi số", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Hai phát huy gồm phát huy và huy động tổng thể, có hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của xã hội, của doanh nghiệp và của toàn dân; và phát huy truyền thống văn hóa hiếu học, tinh thần học tập suốt đời, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam.
Ba bảo đảm là bảo đảm các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để triển khai phong trào thiết thực, hiệu quả; thông suốt về hạ tầng, tính đồng bộ, tính liên kết, tính linh hoạt, không hình thức, màu mè và đúng đối tượng; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường công khai minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm xây dựng hệ sinh thái học tập số; tạo cơ chế khuyến khích và động lực học tập; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả.
Để thực hiện thành công phong trào "Bình dân học vụ số", người đứng đầu Chính phủ đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương; tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của chuyển đổi số. Doanh nghiệp công nghệ giữ vai trò tiên phong, phổ cập kỹ năng số thông qua các nền tảng, dịch vụ và giải pháp phù hợp; đồng hành cùng chính quyền và nhân dân trong công cuộc chuyển đổi số.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng khung năng lực số và tài liệu phù hợp từng nhóm người dân. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được cập nhật, nâng cao kỹ năng số, dùng nền tảng số hiệu quả. Học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức số phục vụ học tập và bảo vệ bản thân. Người lao động biết dùng thiết bị thông minh để tăng năng suất. Người dân biết dịch vụ số thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến an toàn.