Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Giai đoạn từ 2015 đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn. Trong đó, có 373 dự án hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.
Đối với Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hiện đang triển khai đầu tư 2 dự án với tổng số 1.974 căn hộ, đã hoàn thành hơn 300 căn. Đối với Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2021 – 2023, đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha; có 499 dự án đã được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó đã hoàn thành 72 dự án với quy mô 38.128 căn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
Đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án; trong đó có 8 dự án tại 7 địa phương được giải ngân.
Về chính sách hỗ trợ mục tiêu về nhà ở, tính đến hết năm 2023, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 339.176 hộ có công đạt tỷ lệ 96,7%. Khoảng 117.427 hộ/236.324 hộ nghèo tại khu vực nông thôn hoàn thành xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, đã thực hiện hỗ trợ 19.032/23.797 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt; hỗ trợ 28.000/100.000 hộ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, hầu hết đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội đều được tiếp cận nguồn vốn vay của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà để ở…
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, các quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội chưa có quy định thống nhất nên việc thực hiện còn chậm trễ, lúng túng. Quy định ưu đãi chủ đầu tư, đặc biệt là dự án nhà ở xã hội để cho thuê chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia.
Việc xác minh đối tượng, điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc, thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài. Nguồn lực thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội còn hạn chế. Nguyên nhân bởi nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên |
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội đã đưa ra những vấn đề nổi bật yêu cầu phía Chính phủ và các Bộ ngành làm rõ hơn như: Giải quyết nhà ở xã hội; những vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản; tác động khi thị trường bất động sản biến động tới nền kinh tế vĩ mô...
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết, qua kiểm tra dữ liệu của địa phương cho thấy còn thiếu phần thị trường bất động sản công nghiệp nên đề nghị Chính phủ có báo cáo rõ hơn. Ngoài ra, hiện nay, còn ít địa phương đánh giá sự đóng góp của thị trường bất động sản đối với thu ngân sách và kinh tế vĩ mô cũng như tiềm ẩn những bất ổn của thị trường bất động sản đối với kinh tế vĩ mô và tác động tới nền kinh tế-xã hội như thế nào. Vì vậy, ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về những nội dung này.
Đối với việc cung cấp nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đức Kiên nhận định: Hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội chưa chú trọng đến việc cân bằng với mức lương và thu nhập của người dân nên phần lớn người dân còn đang khó khăn khi tiếp cận với nhà ở xã hội. Để tháo gỡ vướng mắc này, Chính phủ cần yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan giải quyết những bất cập trên.
Liên quan đến giải quyết những dự án bất động sản chậm tiến độ hoặc phải dừng lại, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đề nghị Chính phủ làm rõ những vướng mắc pháp lý điển hình gặp phải là gì để có phương hướng giải quyết. Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, quy trình thủ tục đầu tư hiện nay còn gồm nhiều bước, công đoạn, thủ tục nên đề nghị Chính phủ làm rõ quy trình thủ tục đầu tư có thống nhất không hay tùy từng đối tượng?
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và một số cơ quan hữu quan đã giải đáp những quan tâm của Đoàn giám sát. Theo đó, các Bộ ngành đã làm rõ hơn về những vấn đề như: giá nhà ở chung cư lên cao và sự khan hiếm về nguồn cung như quỹ đất, kinh phí thực hiện; tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ về nhà ở xã hội là tài sản công; khó khăn và lo ngại của các ngân hàng khi cho vay đối với thị trường bất động sản; giải quyết những vướng mắc pháp lý đối với những dự án bất động sản chậm tiến độ, thủ tục đầu tư...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ. Qua Báo cáo và thảo luận đã rõ hơn kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế của việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Chủ trương, đường lối của Đảng đã rõ, cụ thể là tạo định hướng để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội, môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện.
Thị trường bất động sản và ngành kinh doanh bất động sản tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước và tăng thu ngân sách; quá trình xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn được thực hiện bền vững, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã đáp ứng một phần nhu cầu cho người có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp và đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, đến nay, khi Luật Đất đai, Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ nhưng cũng có nhiều khó khăn, cần tiếp tục sửa đổi các pháp luật có liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, những hạn chế, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan đã thể hiện rõ trong Báo cáo của Chính phủ và các ý kiến của thành viên Đoàn Giám sát. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ làm rõ hơn trong Báo cáo với Đoàn Giám sát; Đoàn Giám sát cũng cần lưu ý về những vấn đề nêu trên khi xây dựng báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết giám sát, đồng thời làm rõ hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân dẫn đến hạn chế, bất cập, yếu kém.
Qua làm việc với các địa phương, các Bộ, ngành và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc, đã có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ hơn vào báo cáo với Đoàn giám sát; chỉ đạo nghiên cứu để hoàn thiện đề xuất sửa đổi pháp luật có liên quan. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tách riêng trong báo cáo về những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ; khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ và có đề xuất, kiến nghị cụ thể để Đoàn Giám sát nghiên cứu tổng hợp.