Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 |
Một số quy định cần sửa đổi ngay để đảm bảo tính đồng bộ
Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh về các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đa dạng hóa các gói bảo hiểm tế và quy định liên kết với bảo hiểm y tế thương mại; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; trách nhiệm các bên liên quan trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật…Bên cạnh đó, một số nội dung mới của hệ thống pháp luật có liên quan, các nội dung phát sinh trong thực tiễn cần được cập nhật.
Đặc biệt, một số quy định cần sửa đổi ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có hiệu lực đồng bộ từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 nên trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách.
Do đó, Cơ quan soạn thảo đã xây dựng Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 04 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi lập đề nghị: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại Kỳ họp thứ 8 |
Đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với những chính sách mới, nhất là liên quan đến vấn đề tài chính
Đối với nội dung về mở rộng quyền lợi cho người bệnh khi được tự đi khám bệnh, chữa bệnh, ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có đề nghị Chính phủ “Nghiên cứu cơ chế cho phép người dân được đến bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào để khám bệnh, chữa bệnh mà không cần phải làm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Bộ Y tế nhận định đây là nội dung mới, nằm ngoài các chính sách thành phần trong mở rộng quyền lợi, mở rộng phạm vi hưởng. Luật Bảo hiểm y tế hiện hành đã quy định “thông tuyến” huyện toàn quốc (thanh toán 100% trong phạm vi hưởng cả nội trú và ngoại trú), “thông tuyến” tỉnh với điều trị nội trú (không thanh toán ngoại trú), “thông tuyến trung ương (40% nội trú, không thanh toán ngoại trú), nghĩa là đối với các trường hợp như trên thì không cần phải làm thủ tục chuyển cơ sở khám, chữa bệnh.
Thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, phân tích ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo 02 phương án về “cơ chế cho phép người dân được đến bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào để khám bệnh, chữa bệnh mà không cần phải làm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Nhấn mạnh chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là xác định mục tiêu phải bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, ThS. Phan Hoàng Ngọc Anh, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng trưởng vượt bậc qua các năm chính là thành tựu quan trọng trong công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở nước ta.
Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách về tài chính trong sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (Ảnh minh họa) |
ThS. Phan Hoàng Ngọc Anh nêu rõ, xu hướng mở rộng diện bao phủ, tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm y tế vẫn tiếp tục được duy trì trong các năm. Riêng 05 tháng đầu năm năm 2021, lĩnh vực bảo hiểm y tế có số người tham gia bảo hiểm y tế tăng cao hơn so với cuối năm 2020. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có trên 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người); gần 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2021; trên 86,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.
Tuy nhiên, về vấn đề bảo đảm tài chính, ThS. Phan Hoàng Ngọc Anh cũng nhận định, tỷ trọng đóng góp từ bảo hiểm y tế trong tổng chi y tế còn thấp so với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ tự chi trả cho y tế từ hộ gia đình vẫn cao, thậm chí cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và gấp 3 lần trung bình thế giới. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ tự chi trả cho y tế của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chỉ số này nên dưới 20% mới phản ánh được độ bao phủ y tế cao. Tại các nước đang phát triển, chỉ số này chỉ dưới 14%. Ở Việt Nam vào năm 2021, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43%. Tỷ lệ tự chi trả cao sẽ là một thách thức lớn cho Việt Nam trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc y tế toàn dân thông qua bảo hiểm y tế.
Do đó, cần có chính sách về đổi mới công tác tài chính và đầu tư. Tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước. Mở rộng các phương thức trả trước và chia sẻ rủi ro trong khám, chữa bệnh thông qua phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Tiếp tục huy động các nguồn đầu tư của xã hội cho y tế, đồng thời có những điều chỉnh chính sách phù hợp để hạn chế tác động không mong muốn của chính sách xã hội hóa hoạt động y tế đối với người dân.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa |
Cùng bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đánh giá các nội dung được đề xuất sửa đổi ở dự thảo Luật lần này khá rộng, vì vậy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đánh giá tác động tài chính một cách đầy đủ, thận trọng để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật cũng như điều chỉnh phạm vi quyền lợi cho phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Về các chính sách liên quan đến giám định bảo hiểm y tế, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết, dự thảo Luật có đánh giá giám định bảo hiểm y tế là hoạt động đặc trưng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, có ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh, người hành nghề, chất lượng dịch vụ y tế và quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên Luật Bảo hiểm y tế hiện hành còn thiếu các quy định về nguyên tắc, cách thức, điều kiện thực hiện, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và bảo hiểm y tế… Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi toàn diện, thay đổi nội hàm công tác giám định; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này.