Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) |
Cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, Việt Nam là quốc gia có may mắn sở hữu nguồn tài nguyên nước đa dạng và dồi dào, nhưng nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận và bất biến. Chính việc chưa coi nước là tài nguyên quý giá nên việc khai thác, sử dụng nước thời gian qua nhiều khi chưa quan tâm đúng mức, nhất là việc tiết kiệm, hiệu quả, gắn khai thác, sử dụng với việc bảo vệ nguồn nước và hành lang nguồn nước khiến cho nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bị cạn kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới môi sinh, cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất người dân. Bên cạnh đó, việc sụt giảm đến mức báo động về trữ lượng nước do nhiều nguyên nhân cũng đòi hỏi phải có những quy định, giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa nguy cơ mất an ninh nguồn nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cơ bản đồng tình với quy định của dự thảo luật về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước được quy định tại Điều 5. Theo đó, một nội dung quan trọng đó là đảm bảo an ninh nguồn nước tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đại biểu tán thành với việc dự thảo luật đã bổ sung quy định Nhà nước có cơ chế khuyến khích để tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang |
Đại biểu cho rằng đây là chính sách rất cần thiết và trên thế giới việc tái sử dụng nước đã được sử dụng khá phổ biến cho nhiều mục đích khác nhau, từ công nghiệp, nông nghiệp và đô thị. Tại Việt Nam, hiện nay nguồn nước ngọt có thể còn tương đối nhiều, tuy nhiên tình trạng giảm mực nước tại một số dòng sông, việc suy kiệt nguồn nước ngầm, tình trạng hạn hán ở miền Trung, nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long…nđang đặt ra việc phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, sử dụng nước tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn, đa dạng các nguồn nước là việc hết sức cần thiết. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lưu ý, trong công tác phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; phòng, chống xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các khai thác dưới lòng đất cần thận trọng tránh bị ô nhiễm làm mặn hóa nước ngọt. Việc nộp tiền, cấp quyền khai thác tài nguyên là rất cần thiết để mọi người nhận thức đúng và sử dụng nước có hiệu quả và tiết kiệm, khai thác có trọng tâm, trọng điểm để nguồn tài nguyên này được sử dụng ổn định lâu dài. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc không phải đối tượng nào sử dụng nước đều phải nộp phí.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp |
Đối với quy định của dự thảo luật về việc tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi và các khoáng sản trên sông, cơ quan cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không nhất thiết quy định này vì trái với quy định phân cấp, phân quyền cho địa phương, mà nên quy định trách nhiệm của cơ quan cấp phép nếu không đúng quy định, cấp thẩm quyền về tài nguyên nước, kiểm tra, thanh tra, kiến nghị hoặc xử lý hành vi sai phạm. Đồng thời, quy định việc cải tạo lòng bờ hồ, sông, xây dựng công trình khai thác cát, sỏi, khoáng sản... trước khi cấp phép khai thác phải có đánh giá tác động về môi trường.
Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước đối với tài nguyên nước (Điều 5), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, dự thảo luật quy định về việc ưu tiên đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước và có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư, khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho Nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt.
Để chính sách này đi vào thực tế cuộc sống, có cơ chế để triển khai thực hiện hiệu quả, đại biểu đề nghị cần làm rõ việc ưu tiên các chính sách ưu đãi được thực hiện như thế nào. Kinh nghiệm cho thấy các chính sách ưu tiên, ưu đãi chỉ đạt được hiệu quả khi có các quy định, các quy trình cụ thể để triển khai. Nếu các quy định về chính sách ưu đãi chỉ mang tính chất chung chung như trong dự thảo thì sẽ rất dễ bị vướng, thậm chí bị lãng quên khi luật có hiệu lực thi hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương |
Đại biểu cũng nhất trí cao với việc bổ sung nội dung phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vào dự thảo luật (Điều 33) để đảm bảo loại trừ tối đa các hành vi tác động tiêu cực tới nguồn nước. Khoản 5 Điều 33 quy định các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác sử dụng nước không hiệu quả, gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng thì phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. Đại biểu cho rằng, quy định như trên còn khá dễ dãi, chưa nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước khi gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước tới mức nghiêm trọng mới phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích hoặc phá dỡ. Mặt khác, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng cụ thể như thế nào cũng chưa được quy định rõ.
Do vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng bỏ cụm từ "nghiêm trọng", các hồ chứa, đập dâng và các công trình khai thác nước sử dụng không hiệu quả, gây suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. Quy định như vậy mới nâng cao được trách nhiệm, hiệu quả của việc phòng, chống suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đánh giá dự thảo luật đã quy định nhiều biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả tại mục 3 Chương IV. Tuy nhiên, biện pháp tuần hoàn tái sử dụng nước chưa được đề cập rõ trong dự thảo luật. Trong khi đó, tuần hoàn tài nguyên nói chung, tài nguyên nước nói riêng là chính sách được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn, góp phần đảm bảo việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy tuần hoàn, tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam và khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xử lý nước thải. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về tái sử dụng nước trong dự thảo luật, trong đó, tại Điều 3 Chương I cần đưa ra định nghĩa về các khái niệm như tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên nước.
Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn tái sử dụng nguồn nước; tiêu chuẩn, quy chuẩn tích trữ nước, tiết kiệm nước, đồng thời, bổ sung nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải trong ban hành các tiêu chuẩn, định mức về hệ thống thoát nước đối với các công trình giao thông.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu, rà soát các giải pháp về tiết kiệm nước, sử dụng nước, sử dụng khoa học cách quản trị về tuần hoàn nước. “Chúng ta phải giữ được nước, bởi vì chúng ta là quốc gia biển, cho nên việc chúng ta bị hạn hán, thiếu nước về mùa khô, bị lũ vào mùa mưa nên việc điều tiết, quản lý, sử dụng nước đảm bảo hiệu quả rất quan trọng”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.