Toàn cảnh Phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Sau khi tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến của các Đoàn ĐBQH, cơ quan liên quan, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, quy định về vai trò, sự tham gia của tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện luật.
Theo đó, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội được quy định tại Chương IV và Điều 71, Điều 73 của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, một số đại biểu đề nghị cần xây dựng các quy định để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội bảo vệ người tiêu dùng bằng chính hoạt động của Hội. Tiếp thu ý kiến đại biểu, trong báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến góp ý dự thảo luật đã nêu: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội bảo vệ người tiêu dùng là hết sức cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Do đó, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng) như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng; không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án; tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng…
Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Cân nhắc bỏ điều kiện tổ chức xã hội có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm mới được khởi kiện vụ án dân sự
Tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, tại khoản 1 Điều 50 của dự thảo luật có quy định các hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó tại điểm i quy định: tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng. Về nội dung này, đại biểu đề nghị thay đổi hoạt động từ đào tạo thành tập huấn hoặc bồi dưỡng để phù hợp hơn với đối tượng là người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. |
Khoản 2 Điều 50 dự thảo luật quy định các điều kiện để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng. Trong đó tại điểm c quy định điều kiện có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm, tính từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị bỏ nội dung quy định về điều kiện này bởi tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp như điều kiện quy định tại điểm e của khoản 2 điều này, tổ chức đó có đủ điều kiện hoạt động kể từ ngày thành lập, trong đó kể cả có hoạt động khởi kiện; không nên quy định sau thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm.
Về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng, Điều 73 dự thảo luật quy định: tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng được thực hiện theo bản án, quyết định.
Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng thì tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng để nhằm động viên các tổ chức xã hội tích cực trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các đại biểu tham dự phiên họp |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 73 theo hướng: trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, khoản tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng thì sẽ được giao cho tổ chức xã hội đã khởi kiện để sử dụng cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu cho biết, đây cũng là ý kiến đại diện của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bến Tre gửi gắm, kiến nghị đến Quốc hội xem xét.
Rà soát kỹ khái niệm tổ chức xã hội và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội.
Theo đó, tại Điều 53 về tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy rất khó hiểu làm cho quá trình tổ chức thực hiện phải phân định đâu là tổ chức xã hội, đâu là tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích. Đồng thời, khi quy định như vậy, ban soạn thảo không giải thích từ ngữ rõ thế nào là tổ chức xã hội và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ. |
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ về khái niệm tổ chức xã hội và tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích. Vì hiện nay ở Việt Nam, tổ chức xã hội có thể hiểu bao gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức tự quản (còn gọi là hội). Theo quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ, các tổ chức hội khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đều phải có điều lệ, trong đó thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích của hội. Như vậy, quy định tổ chức xã hội, tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích ở đây sẽ gây nhầm lẫn.
Đồng thời, đại biểu đề nghị tại Chương IV của dự thảo luật cũng cần bổ sung thêm một điều về vai trò, trách nhiệm và quyền của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, rất cần bổ sung vào dự thảo luật về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Làm rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ là hỗ trợ chuyển yêu cầu của người tiêu dùng đến tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu thương lượng, trong khi đó người tiêu dùng luôn là đối tượng yếu thế, hiểu biết về pháp luật hạn chế hơn so với tổ chức kinh doanh nên quá trình thương lượng dễ bị bất lợi. Vì vậy, trong quá trình thương lượng, cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng vai trò là bên trung gian giải thích luật, chứng kiến để quá trình thương lượng được khách quan, minh bạch hơn.
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk |
Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cố tình không tiến hành thương lượng mà không có lý do chính đáng, dù đã có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục thương lượng thì xử lý như thế nào?; Nếu không có chế tài xử lý, liệu quy định này có khả thi, hiệu quả khi áp dụng trên thực tế?
Góp ý về câu chữ, kỹ thuật lập pháp, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho biết, tại điểm e khoản 1 Điều 50 quy định tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quy định này chưa rõ là tổ chức xã hội tự mình tổ chức khảo sát, thử nghiệm hay là tự mình khảo sát, thử nghiệm những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức mình làm ra. Do đó, cần có quy định rõ ràng hơn để có cách hiểu thống nhất
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh |
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, trong hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nội dung tại điểm h khoản 1 Điều 50 cần được luận giải tường minh, nhằm tránh cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Đó là người tiêu dùng có quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, trong khi lợi ích công cộng chưa được làm rõ và chưa được quy định trong luật nào.