![]() |
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với 458/459 đại biểu Quốc hội có mặt bấm nút tán thành. Ảnh: P.Thắng |
Với 458/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật vừa được thông qua quy định chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND).
Giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương
Điều 2 của Luật quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính nêu rõ, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.
Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND.
Nguyên tắc hoạt động của HĐND là làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. UBND ở cấp chính quyền địa phương hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với trách nhiệm của chủ tịch UBND.
Luật cũng nêu rõ tổ chức chính quyền địa phương tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.
Những công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương phải do địa phương quyết định, địa phương tổ chức thực hiện và tự chịu trách nhiệm, theo tinh thần của luật sửa đổi.
Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận trên hội trường trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện hành để "tránh hẫng hụt trong vận hành", vì chúng ta đang đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị và sẽ tiếp tục có điều chỉnh.
Phân định rõ thẩm quyền chính quyền địa phương
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội |
Một nội dung đáng chú ý của luật là phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp.
Một số ý kiến đề nghị rà soát các chủ thể phân cấp, ủy quyền và chủ thể được phân cấp, ủy quyền để bảo đảm phù hợp với vai trò, tính chất của mỗi chủ thể.
Ý kiến khác đề nghị quy định rõ về các điều kiện bảo đảm và cơ chế chịu trách nhiệm của các chủ thể trong từng loại hình phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các chủ thể phân cấp, ủy quyền bảo đảm phù hợp với tính chất của mỗi loại chủ thể (không quy định HĐND phân cấp cho UBND cùng cấp hoặc HĐND cấp dưới) và phạm vi phân cấp, ủy quyền.
Luật cũng quy định rõ về việc bảo đảm điều kiện thực hiện và phạm vi trách nhiệm của các chủ thể trong việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền như đã thể hiện tại các điều 12, 13 và 14.
Về đề nghị bổ sung cơ chế giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý sai phạm trong thực hiện phân quyền, phân cấp; bổ sung trách nhiệm xử lý việc phân cấp, ủy quyền không hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã bổ sung nguyên tắc về kịp thời điều chỉnh nội dung phân quyền, phân cấp khi cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân quyền, phân cấp thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ngoài ra, luật bổ sung trách nhiệm của các cơ quan trong việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp.
Cụ thể, khoản 3 Điều 12 quy định: Cơ quan nhà nước cấp trên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp.
Khoản 3, Điều 13 quy định: Cơ quan phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp trong trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định.