Giá cà phê hôm nay tăng mạnh
Giá cà phê hôm nay (17/2), ghi nhận tăng mạnh so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 79.500 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 80.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 80.100 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 80.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 80.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 80.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 80.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 80.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2024 được ghi nhận tại mức 3.229 USD/tấn sau khi tăng 0,75% (tương đương 24 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2024 tại New York ở mức 190,6 US cent/pound sau khi tăng 0,69% (tương đương 1,3 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h (giờ Việt Nam).
Một vùng cà phê bạt ngàn trải dài trên 30 km (từ km 18 đến km 49 ven Quốc lộ 21, nay là Quốc lộ 26) về hướng Đông, hơn 100 năm trước là một trong những vựa cà phê lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, với diện tích khoảng 2.000 ha. Đó là Đồn điền CADA - một trong những đồn điền ra đời sớm nhất trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương vào năm 1922.
Mặc dù khi đó sản lượng còn ít, nhưng với chất lượng, hương vị đặc trưng và đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà (vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu lúc bấy giờ), các nhà tư bản đã nhận thấy tiềm năng phát triển cà phê nơi đây nên đã đầu tư mở 49 đồn điền trồng cà phê, với tổng diện tích trên 5.200 ha, biến cao nguyên Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk thành vùng nguyên liệu cà phê rộng lớn.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tổng diện tích cà phê Robusta ở Đắk Lắk đã tăng lên 8.600 ha, với sản lượng 11.000 tấn/năm. Từ năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk chủ trương đầu tư trồng lại mới, bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn trên cơ sở các đồn điền cà phê thời Pháp thuộc, trong đó Đồn điền CADA trở thành “tâm điểm” cho sự phát triển của ngành hàng cà phê của cả nước.
Ông Hồ Sĩ Trung, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Phước An (tiền thân là Nông trường Cà phê Phước An) cho biết, sau khi đất nước thống nhất, để phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên, các cán bộ từ Nông trường Đông Hiếu và Nông trường Tây Hiếu (Nghệ An) được cử vào đây tiếp nhận nhiệm vụ xây dựng và thành lập các nông trường quốc doanh, trong đó Nông trường Cà phê Phước An tiếp quản và phát triển cà phê tại khu vực Đồn điền CADA.
Từ sau năm 1986 được xem là giai đoạn phát triển mạnh của ngành hàng cà phê, với sự bùng nổ về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu, từ đó đã phát huy được những thế mạnh của các sản phẩm cà phê ở Đồn điền CADA.
Đặc biệt, năm 1988, Phước An là nông trường đầu tiên của cả nước đạt sản lượng thu hoạch 1.000 tấn cà phê nhân. Những thành quả của các nông trường đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Và nơi đây đã sớm trở thành điểm sáng của ngành cà phê toàn vùng Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với cà phê Robusta. Sản phẩm cà phê Robusta đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ một vùng trồng chỉ với khoảng 2.000 ha, sau hơn 100 năm, con số đó đã nằm ở mức trên 200.000 ha và Đắk Lắk trở thành “thủ phủ cà phê” khi chiếm đến 1/3 diện tích của cả nước. Niên vụ 2022 - 2023, tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh đạt 558.729 tấn; cà phê của Đắk Lắk được xuất khẩu đến 61 thị trường trên thế giới. Đặc biệt, Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột đã được bảo hộ ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cà phê Đắk Lắk là điểm nhấn quan trọng để Việt Nam giữ vững vị thế là quốc gia đứng thứ hai về sản xuất, xuất khẩu cà phê và đứng thứ nhất về sản xuất, xuất khẩu cà phê Robusta trong hơn 20 năm qua. Không chỉ xuất khẩu thô, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, Đắk Lắk đang khai thác tốt giá trị khác biệt của cà phê của vùng đất này - giá trị mà từ thuở sơ khai, các nhà rang xay của Pháp đã khẳng định.
Vùng trồng cà phê chất lượng cao của V'Ori Farm nhằm khai thác giá trị của Đồn điền cà phê CADA.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng: Việt Nam cũng như riêng tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế để có thể phát triển thành công phân khúc cà phê đặc sản.
Điều này được chứng minh khi chỉ sau 5 năm tham gia vào thị trường cà phê đặc sản, cà phê đặc sản Robusta từ Việt Nam (chủ yếu xuất xứ từ Đắk Lắk) xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các hội chợ cà phê quốc tế ở Mỹ, Ý, Nhật, Hàn Quốc, được các nhà rang xay, nhà nhập khẩu đánh giá cao, quan tâm kết nối và bắt đầu có lô hàng xuất khẩu số lượng lớn.
Đặc biệt hơn, cà phê Robusta đặc sản Đắk Lắk lần đầu tiên được các thí sinh sử dụng trong những cuộc thi pha chế danh tiếng tại Úc và Mỹ - đây là điều chưa từng có trong lịch sử cà phê của Việt Nam.
Điều này cũng đã giúp cà phê Robusta của Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi được đánh giá là ngon hàng đầu trên thế giới. Đó cũng là sự vinh danh dành cho cà phê đặc sản Đắk Lắk và là những tín hiệu lạc quan trên chặng đường dài nâng cao danh tiếng, giá trị hạt cà phê Việt Nam.
Cùng với mục tiêu “Buôn Ma thuột - điểm đến của cà phê thế giới”, Đắk Lắk đang nỗ lực tổ chức các hoạt động mang tính văn hóa, tiêu dùng cà phê trong, ngoài nước và sử dụng những sản phẩm cà phê có chất lượng cao, mang tính khác biệt (cà phê đặc sản) để làm thương hiệu nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, du khách. Qua đó tạo dựng một không gian mới cho cà phê từ giá trị của 100 năm trước để phát triển cà phê bền vững theo xu hướng của thị trường thế giới.
Giá tiêu hôm nay duy trì đà đi lên
Giá tiêu hôm nay (17/2), dao động trong khoảng 82.000 - 85.500 đồng/kg tại thị trường trong nước.
So với hôm qua, giá tiêu tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai và Bình Phước cùng tăng 500 đồng/kg, trong khi các địa phương còn lại vẫn duy trì ổn định.
Theo đó, mức giá thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai là 82.000 đồng/kg, cao hơn một chút là tỉnh Gia Lai với mức giá 82.500 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Bình Phước cũng duy trì ở mức 85.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nông dân đang thu mua hồ tiêu với mức giá 84.000 đồng/kg.
Hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đang được thu mua với cùng mức giá 84.500 đồng/kg.
Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 12/2023 đạt 20.285 tấn hạt tiêu các loại, tương đương 77,56 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước.
Lũy xuất khẩu hạt tiêu cả năm 2023 đạt tổng cộng 265.897 tấn tiêu các loại, trị giá 910,5 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và giảm 6,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 3.585 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.091 USD/tấn, so với năm 2022 giá xuất khẩu tiêu đen đạt 3.591 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.095 USD/tấn, lần lượt giảm 420 USD đối với tiêu đen và 635 USD đối với tiêu trắng.
Bên cạnh đó, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm trong nước cũng liên tục tăng, dao động trong khoảng 81.000 - 84.000 đồng/kg.
Trong năm qua, châu Á là khu vực thị trường lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam, chiếm 52,7% thị phần. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu, đạt 60.135 tấn, tăng 174% so với năm 2022. Điều đáng nói, Trung Quốc đã vượt xa Hoa Kỳ để trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Tiếp theo là các thị trường Ấn Độ: 12.812 tấn, chiếm 4,9% và tăng 4,2%; UAE: 12.132 tấn, chiếm 4,6% giảm 24,7%; Philippine: 8.021 tấn, chiếm 3,0% tăng 27,5%. Khu vực châu Mỹ đứng thứ 2 về thị phần xuất khẩu chiếm 22,8% và xuất khẩu tăng 0,3% trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 54.271 tấn, chiếm 20,5% giảm 0,8% so với năm ngoái.
Xuất khẩu sang các thị trường châu Âu chiếm 19,5% giảm 1,4% so với năm ngoái. Xuất khẩu sang châu Phi tăng 7,8%.
Đáng chú ý, không chỉ nhập khẩu hàng đầu gạo, Philippines còn tăng nhập khẩu hạt tiêu của Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu sang Philippines tháng 12 đạt 867 tấn, trị giá gần 2,7 triệu USD, tăng mạnh 117% về lượng và tăng 191% về kim ngạch so với tháng 12/2022. Đây cũng là tháng đạt sản lượng xuất khẩu cao nhất trong năm 2023.
Tính đến hết tháng 12, Philippines chi gần 24,2 triệu USD nhập khẩu 8.040 tấn hạt tiêu, tăng 24,2% về lượng và tăng 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu trung bình trong năm 2023 đạt 3.007 USD/tấn, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành hồ tiêu Việt Nam được đánh giá tích cực về năng lực chế biến với tỷ lệ sản phẩm qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, bắt đầu từ năm 2001, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu đạt 56.506 tấn, chiếm 28% tổng xuất khẩu của thế giới. Cũng từ đây, Việt Nam liên tục là nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu.
Một báo cáo vào tháng 6/2021 của Tổng Cục Thống kê khẳng định, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Không chỉ là nước xuất khẩu mà trong hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam cũng đã trở thành trung tâm sản xuất hạt tiêu của thế giới.
Dự báo xuất khẩu hạt tiêu sẽ duy trì ở mức thấp do nguồn cung nội địa không còn dồi dào. Điều này sẽ đẩy giá mặt hàng này tăng cao.
Lượng tồn kho hạt tiêu năm 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm qua. Vụ tiêu năm nay dự báo sản lượng giảm khoảng 10-15%, ước đạt 160.000-165.000 tấn, theo Tạp chí điện tử Nhịp sống thị trường.