Toàn cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được tổ chức ngày 30/8, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 chương, 56 điều, kế thừa hợp lý các quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh các hoạt động giao dịch điện tử liên quan đến hoạt động của đời sống xã hội bao gồm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác; văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử… Những lĩnh vực này trước đây chưa được Luật hiện hành điều chỉnh, thì lần này đã được đưa vào dự thảo Luật.
Đề nghị cân nhắc kỹ về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật để đảm bảo tính khả thi
Cho ý kiến vào dự thảo Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến tán thành với việc sớm sửa đổi Luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giao dịch điện tử, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và thực tiễn thực hiện trong những năm qua. Đồng thời tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi).
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (sửa đổi), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cơ bản tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật trong điều kiện hiện nay khi công nghệ số ở Việt Nam đã và đang phát triển so với trước đây, chữ ký số đã được áp dụng; pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, như Indonesia, Philippines, Hàn Quốc cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh giao dịch điện tử trong nhiều lĩnh vực, không có loại trừ. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh như thế nào là hợp lý, bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử.
Bởi vì, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác là các giấy tờ được cấp một lần cho cá nhân, gia đình để lưu giữ, quản lý và sử dụng khi cần thiết; trong số đó có các giấy tờ như giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử… thì khi cấp cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ, trong trường hợp này thì việc cấp trực tiếp các giấy tờ này vẫn thuận lợi hơn so với cấp trực tuyến.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, trong các giấy tờ nêu trên có thể có thông tin liên quan đến “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” mà theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cấp trực tuyến các loại giấy tờ nêu trên sẽ làm gia tăng một khối lượng lớn công việc phải giao dịch trên môi trường mạng. “Liệu hạ tầng công nghệ, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử hiện nay, cũng như nguồn nhân lực, thiết bị có đáp ứng được yêu cầu không? Việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan có thẩm quyền liệu có bảo đảm đáp ứng yêu cầu để thực hiện cấp trực tuyến các loại giấy tờ nêu trên cho cá nhân, gia đình không?”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến băn khoăn. Đây là những vấn đề cần được đánh giá tác động kỹ để làm cơ sở mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ về lộ trình, mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này để bảo đảm tính khả thi.
Về đối tượng áp dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận thấy, việc quy định đối tượng bị áp dụng như dự thảo luật còn chung chung, không rõ ràng là Luật này chỉ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam ở trong nước hay cả đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam hay áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định rõ các đối tượng bị áp dụng của dự thảo luật này.
Đề cập đến nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử (Điều 4), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị bổ sung nguyên tắc “Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, bởi vì nguyên tắc này đang được quy định trong Luật giao dịch điện tử năm 2005.
Mặt khác, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch điện tử thông qua môi trường mạng, bằng phương tiện điện tử cho nên dễ dẫn đến sai sót do cố ý hoặc vô ý, mà có thể gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, việc bổ sung thêm nguyên tắc nêu trên vào dự thảo luật là cần thiết, để nhắc nhở các chủ thể khi thực hiện giao dịch điện tử phải chú trọng bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nếu xảy ra sự cố, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ và khôi phục lại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã bị xâm hại.
Đề nghị bổ sung quy định về các quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử
Liên quan đến chính sách phát triển giao dịch điện tử (Điều 5), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định như dự thảo luật là chưa rõ ràng, chưa xác định rõ chủ thể có thẩm quyền ban hành, có trách nhiệm thực hiện các chính sách nên trên, nên khi Luật giao dịch điện tử có hiệu lực thì sẽ lúng túng trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách và khó xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các chính sách này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ chủ thể ban hành các chính sách và thực hiện các chính sách nêu tại Điều 5 của dự thảo luật.
Đáng chú ý, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị bổ sung một điều mới vào Chương I để quy định về các quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử. Dự thảo Luật Giao dịch điện tử quy định về quy trình, thủ tục và các vấn đề khác có liên quan, làm cơ sở dể cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử, nhưng dự thảo luật chưa quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân này khi thực hiện giao dịch điện tử có những quyền gì và có những trách nhiệm/ nghĩa vụ gì. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung điều luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định pháp luật về giao dịch điện tử.
Quan tâm đến Khoản 6 Điều 6 quy định “Quản lý an toàn thông tin mạng và an toàn dữ liệu trong giao dịch điện tử”, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo bỏ nội dung “Quản lý an toàn thông tin mạng” tại khoản 6 này. Vì nội dung này đã được quy định cụ thể tại Điều 51 của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, nếu nay quy định vấn đề này trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là trùng lặp và không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử (Điều 7), về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử (Điều 8)…/.