Ngành trái cây Việt Nam gặp thách thức không nhỏ khi việc gia tăng xuất khẩu nhờ mở cửa thêm thị trường luôn đi kèm với việc thị trường nội địa có thêm đối thủ cạnh tranh.
Số cửa hàng bán trái cây nhập khẩu tăng vọt
Đầu năm 2020, cam Mỹ nhập khẩu chính ngạch lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam đã được nhiều người tiêu dùng tìm mua dù giá bán lẻ lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg. Mức giá này khá cao so với mặt bằng giá cam trên thị trường, kể cả cam nhập khẩu có hình thức tương tự. Trước đó, Việt Nam cũng cấp phép nhập khẩu cho quả việt quất tươi từ Mỹ, đưa nước này vào nhóm dẫn đầu nguồn cung cấp rau quả lớn nhất cho nước ta. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã chi 215 triệu USD để nhập khẩu rau quả từ các nước. Tính đến tháng 1-2020, nhiều thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh như: Chile (tăng 4,86 lần), Myanmar (tăng 2,17 lần), Campuchia (tăng 68%), Nam Phi (tăng 41,3%) và Mỹ (tăng 19,4%).
Sự tăng trưởng của trái cây nhập khẩu không chỉ thể hiện trên những con số thống kê mà còn thông qua việc gia tăng số lượng các cửa hàng chuyên doanh trái cây nhập khẩu cả trực tiếp lẫn online. Tại các siêu thị, những trái cây nhập khẩu cũng được ưu tiên trưng bày ở vị trí đẹp, bắt mắt.
Cam, táo là những loại trái cây ngoại được nhập khẩu nhiều nhất Ảnh Thanh Nhân
Chị Nguyễn Thùy Linh (quận 7, TP HCM), khách hàng thường xuyên của một cửa hàng online bán thực phẩm ngoại, hay mua nho, dâu và táo nhập khẩu. "Dâu nhập tuy đắt nhưng thơm và ngon hơn còn táo thì nước ta không có. Tôi không quan trọng trái cây nhập khẩu hay trong nước, miễn hợp khẩu vị là được" - chị Linh nêu quan điểm.
Theo ông Phạm Thiện Hoàng, Giám đốc Công ty Phạm Hoàng Trang (sở hữu chuỗi cửa hàng GreenSpace Store), trái cây ngoại được lòng người tiêu dùng vì có độ tin cậy về an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định và giá cả ngày càng phải chăng.
Do lo ngại dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng tăng mua các loại thực phẩm tăng sức đề kháng nên doanh số bán hàng của GreenSpace Store tăng mạnh, riêng kênh online tăng đến 3 lần.
Các doanh nghiệp dự đoán dư địa cho thị trường trái cây ngoại tại Việt Nam vẫn còn rất lớn do người Việt rất thích ăn trái cây và cởi mở với những sản phẩm mới. Hiện 3 loại trái cây được nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất là táo, nho và cherry là những loại quả ôn đới, Việt Nam không trồng được hoặc trồng rất ít. Ngoài ra, những trái cây xứ lạnh khác như kiwi, dâu, lựu, anh đào, mận, việt quất… cũng dần quen thuộc với người Việt. Kể cả những loại trái cây thế mạnh của Việt Nam như cam, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… cũng được nhập khẩu để lấp khoảng trống mùa vụ hay thị hiếu người tiêu dùng.
Tìm cách giữ sân nhà
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng trái cây ngoại ngày càng phổ biến trên thị trường là điều tất yếu khi mở cửa. Quan trọng là rau quả Việt Nam vẫn xuất siêu, năm 2019 rau quả Việt Nam xuất siêu hơn 2 tỉ USD. Tuy vậy, việc trái cây ngoại ngày càng phủ rộng thị trường là cảnh báo để ngành trái cây Việt Nam phải nâng chất lượng nếu không muốn thua trên sân nhà. Ví dụ cam Mỹ mẫu mã đẹp, vị ngon nhưng giá còn cao nên cam Việt Nam giá rẻ vẫn chiếm ưu thế. "Thử đặt tình huống giá cam Mỹ bằng cam Việt thì người tiêu dùng sẽ mua cam nào? Thật không khó để có câu trả lời nên trái cây Việt Nam phải tăng chất lượng, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh" - ông Nguyên nêu thực tế. Theo ông Nguyên, ngành trái cây cần được nhà nước đầu tư hơn nữa từ khâu giống, tổ chức sản xuất quy mô lớn thông qua các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để có thể áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cũng như cung ứng trực tiếp vào siêu thị, các cửa hàng.
Ông Phạm Thiện Hoàng thì cho rằng người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm nên muốn lấy được lòng người tiêu dùng phải bán hàng sạch. "GreenSpace Store cũng bán trái cây nội nhưng với điều kiện phải có chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP nhưng nguồn cung rất hạn chế nên hiện chúng tôi chỉ mới bán bưởi, xoài, cà chua…" - ông Hoàng nhìn nhận.
"Ông vua" xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường khó tính Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, thừa nhận việc xây dựng thương hiệu trái cây Việt trên sân nhà rất khó. "Mọi việc phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu sạch nhưng đến nay vẫn còn ít diện tích trái cây canh tác theo chuẩn của các thị trường khó tính. Chúng tôi bán hàng nội địa chỉ lấy từ vùng nguyên liệu xuất khẩu được quản lý chặt chẽ nên danh mục sản phẩm còn ít như thanh long, vú sữa, xoài, chôm chôm, nhãn, dừa…" - ông Tùng chia sẻ.