![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
Ngày 14/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tại đây, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội.
Đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã cơ bản tính toán, bao quát được các vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản sau sắp xếp.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, thời gian vừa qua, trong quá trình tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho thấy nhiều vướng mắc ở địa phương. Trong khi đó, hiện nay số lượng các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp rất lớn, khối lượng tài sản cũng rất lớn. Mặc dù đã có một số nghị định quy định xử lý tài sản sau sáp nhập nhưng chưa đủ để bao chứa hết.
"Chẳng hạn như tài sản được hình thành trong tương lai nằm trong các dự án, đề án mà chủ đầu tư là những cơ quan đang trong diện sắp xếp. Vậy trách nhiệm đặt ra cho cơ quan là chủ đầu tư khi được chuyển giao cho các cơ quan mới như thế nào cũng cần được tính toán đến để các tài sản này được xử lý một cách hợp lý", đại biểu Nguyễn Minh Đức bày tỏ.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh |
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh lại lưu tâm đến hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, dự thảo Nghị quyết có bất cập là chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm xử lý khi có tranh chấp thẩm quyền giữa cơ quan cũ và cơ quan mới, thiếu hướng dẫn về cơ chế phối hợp khi việc sắp xếp, thay đổi hệ thống tổ chức liên quan đến hoạt động tố tụng và thi hành án, không có thời hạn cụ thể để tiếp nhận và xử lý các vụ án, vụ việc đang thụ lý.
Từ đó, đại biểu đề xuất bổ sung trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan liên quan thành “cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án phải chủ động phối hợp với cơ quan trước đó để đảm bảo quá trình chuyển giao, không làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý vụ án, vụ việc”. Đồng thời, bổ sung khoản mới về cơ chế xử lý nếu xảy ra tranh chấp thẩm quyền giữa cơ quan cũ và cơ quan mới với nội dung cụ thể là “trường hợp phát sinh tranh chấp về thẩm quyền giữa cơ quan trước và cơ quan tiếp nhận sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì Viện kiểm sát nhân dân hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét và phân định thẩm quyền trong thời hạn không quá 10 ngày”.
![]() |
đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh |
Giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy là văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng trong bối cảnh đất nước thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy để tạo cơ sở pháp lý và đặt ra những nguyên tắc chung đối với hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm bảo đảm các hoạt động bình thường liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
"Đây cũng là vấn đề khó khi thiết kế để làm sao vừa bao quát hết toàn diện các nội dung và vừa khái quát, mang tính nguyên tắc để cả hệ thống vận hành bình thường, không gián đoạn, không bỏ sót, không trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực và địa bàn", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.
Liên quan đến nội dung về bổ sung quy định giải quyết các vấn đề liên quan đến xử lý tài sản, chế độ, chính sách đối cán bộ, công chức, viên chức..., Bộ trưởng cho biết Nghị quyết chỉ quy định những nguyên tắc xử lý chung, một số vấn đề chứ không tất cả các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. |
Đối với xử lý tài chính, tài sản đã có Nghị định 151, Nghị định 114, Bộ Tài chính đã có Công văn 13749 ngày 14/12/2024 và Công văn 14675 ngày 31/12/2024 cũng quy định về việc khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì việc xử lý tài chính, tài sản ra làm sao. Đối với chế độ, chính sách Chính phủ đã ban hành Nghị định 177, Nghị định 178, đầu năm 2025 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01. Tất nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện đang có một số vướng mắc, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, việc sắp xếp tổ chức bộ máy có phạm vi tác động rất sâu rộng và "có lẽ rằng cũng chưa thể dự liệu hết được các tình huống phát sinh".
Do vậy, ở Điều 13 của dự thảo Nghị quyết đã quy định về nguyên tắc để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có một cơ chế khá đặc biệt, đó là Quốc hội cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao xem xét, ban hành giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời cũng cho phép các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản bằng hình thức văn bản hành chính để hướng dẫn giải quyết vấn đề phát sinh.
"Đây là quy định trong điều kiện rất đặc biệt của đất nước để bảo đảm xử lý kịp thời, nhanh chóng những vấn đề phát sinh. Mục đích cao nhất là phải bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.