Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định bãi bỏ "mức lương cơ sở" khi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1/7/2024, sẽ không còn "mức lương cơ sở" để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Thay cho mức lương cơ sở, Chính phủ đưa ra mức tham chiếu và vấn đề này đang được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đặc biệt quan tâm.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này.
Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, Quỹ bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Đoàn tỉnh Kon Tum) đề nghị cần có sự đánh giá một cách toàn diện và kỹ càng hơn, vì sau cải cách tiền lương thực tế thì tiền lương đóng BHXH từ ngày 1/7 trở đi đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đều tăng.
Do vậy cần nghiên cứu tính toán, điều chỉnh lại mức tham chiếu tính BHXH cho phù hợp hơn.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, dự thảo Luật quy định mức tham chiếu để thay cho mức lương cơ sở, theo đại biểu là rất kịp thời và đồng bộ với việc chúng ta dự kiến cải cách tiền lương vào tháng 7 tới đây và một số yêu cầu về mức tham chiếu được đưa ra trên chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng kinh tế cũng rất phù hợp.
Để đảm bảo quyền lợi của người hưởng các chế độ BHXH, theo đại biểu nên xem xét quy định ở trong Luật định kỳ thời gian để điều chỉnh mức tham chiếu. Cụ thể, quy định chu kỳ hằng năm hoặc chu kỳ 2 năm một lần.
“Khi đến hạn định kỳ điều chỉnh, chúng ta có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp, có thể là cao hơn, có thể thấp hơn nhưng cũng có thể là vẫn bằng với mức đang đóng”, đại biểu Nga nói.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum |
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải thích, bản chất “mức tham chiếu” là một khái niệm mới thay thế cho mức lương cơ sở, bởi vì trong Nghị quyết 27 có nói là bãi bỏ mức lương cơ sở.
“Mức tham chiếu thực chất tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế CPI và trên thực tiễn thu, chi, thay cho mức lương cơ sở, còn bản chất không có vấn đề gì”, Bộ trưởng phân tích.
Nếu thời gian tới Nghị quyết 27 còn, chưa bãi bỏ ngay, mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng thì vẫn tiếp tục sử dụng, nếu sau Nghị quyết 27 nâng lên một bước nữa, mấy chục phần trăm chẳng hạn thì đó cũng vẫn là mức lương cơ sở và bản thân đó là tham chiếu.
“Chúng ta phải hình dung rằng, nếu dùng mức tham chiếu này có thể sẽ dài hơn cho luật này, lỡ đến năm 2026-2027 chúng ta bỏ mức lương cơ sở thì lúc đó sửa luật thế nào? Đây là vấn đề chúng tôi thay thế, chứ bản chất không có vấn đề gì lớn”, Bộ trưởng làm rõ thêm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc mà vẫn hưởng tiền lương mà tiền lương bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
- Các đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; dân quân thường trực; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Chính phủ quy định.
- Đối tượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phu nhân hoặc phu quân không hưởng lương từ ngân sách nhà nước đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
- Có hai nhóm đối tượng được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không được hưởng tiền lương.
Người lao động thuộc hai nhóm đối tượng này được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội ít nhất sau 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn.
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
- Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu được áp dụng tại thời điểm đóng.
Cơ quan soạn thảo dự thảo bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng nêu rõ: mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội. Trong khi Nhà nước chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được áp dụng bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở.