Với tác phong làm việc khoa học nên bất kỳ một việc gì dù lớn hay nhỏ, Chủ tịch đều chỉ đạo chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo đến từng công đoạn, từng chi tiết cụ thể. Cuối nhiệm kỳ Khóa XI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có rất nhiều việc quan trọng: Chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ; chuẩn bị phương án bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XII; chuẩn bị bộ máy và nhân sự Quốc hội khóa mới...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Về việc tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XI, Chủ tịch đặc biệt lưu ý hai nội dung quan trọng là, tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bài học kinh nghiệm. Cho tới nay, ngẫm nghĩ lại kết quả hoạt động của mỗi khóa có thể có những điểm, những việc khác nhau, nhưng 7 bài học kinh nghiệm mà Chủ tịch đã rút ra của Khóa XI vẫn đúng hoàn toàn cho tất cả các khóa Quốc hội tiếp theo, đó là:
1. Mọi hoạt động của Quốc hội phải bám sát đường lối đổi mới toàn diện của Đảng...
2. Có gần gũi, gắn bó với cử tri, với Nhân dân thì mới hiểu sâu sắc những mong muốn, những yêu cầu của người dân...
3. Các kỳ họp Quốc hội phải được tiến hành dân chủ, thẳng thắn với đầy đủ tính xây dựng...
4. Chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách...
5. Trong hoạt động lập pháp, việc ban hành được nhiều luật, pháp lệnh là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là luật, pháp lệnh phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn...
6. Trong hoạt động giám sát, cơ sở pháp lý càng hoàn thiện thì hoạt động càng thuận lợi, có hiệu quả; cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và mục tiêu của hoạt động giám sát, nhất là đối với các chức danh bị giám sát...
7. Sự đồng thuận, thống nhất cao, cộng đồng trách nhiệm trong Quốc hội; sự phối hợp có hiệu quả trong cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của cử tri, của Nhân dân là sức mạnh tổng hợp góp phần vào thành công chung của Quốc hội...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XII |
Về bầu cử đại biểu dân cử năm 2011, đây thực sự là một cuộc đổi mới mang tính nhà nước. Trên tổng thể công việc của quốc gia, trước đây trong một nhiệm kỳ 5 năm, thời gian làm công tác tổ chức, công tác nhân sự và công tác chuẩn bị... tiêu hao quá nhiều thời gian của nhiệm kỳ. Năm đầu là Đại hội Đảng, năm thứ 2 bầu cử đại biểu Quốc hội, năm thứ 4 bầu cử đại biểu HĐND, năm thứ 5 lại chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ tới...
Từ năm 2011 về cơ bản đã khắc phục được tình hình này. Người đứng đầu hệ thống chính trị đã chỉ đạo, nghiên cứu chuẩn bị một lần, bầu cử cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ba cấp; dịch chuyển thời điểm Đại hội Đảng và thời điểm bầu cử đại biểu dân cử lại gần nhau (như đã biết sau đó, Đại hội Đảng vào quý I, bầu cử đại biểu dân cử vào quý II), và điều chỉnh thời gian nhiệm kỳ Quốc hội cũng là thời gian nhiệm kỳ của HĐND (trước đây lệch nhau 2 năm).
Lần đầu tiên bầu cử đại biểu dân cử vào cùng một lần, khối lượng và độ phức tạp của công việc rất lớn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể của Hội đồng Bầu cử Quốc gia mà Chủ tịch Hội đồng Bầu cử là Chủ tịch Quốc hội cùng hoạt động có trách nhiệm cao của cả hệ thống tổ chức bầu cử trong cả nước nên cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp. Đặc biệt là tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức của cử tri và đặt được nền móng cho các cuộc bầu cử các nhiệm kỳ sau cho đến bây giờ...
Thời lượng bảy, tám phút khó có thể nói được nhiều về những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cho đất nước, trong đó có cương vị Chủ tịch Quốc hội. Nhưng đến lúc này, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một danh xưng tài đức vẹn toàn, là bậc trí tuệ uyên bác và bản lĩnh; là mẫu mực về phẩm chất đạo đức; mọi hoạt động cách mạng đều vì nước, vì dân.