Chủ tịch nước và Phu nhân tại sân bay Nội Bài sáng 23/7. Ảnh: TTXVN |
Sáng 23/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân lên đường thăm chính thức Áo, thăm cấp Nhà nước tới Italia và thăm Tòa thánh Vatican. Chuyến thăm (từ ngày 23-28/7) theo lời mời của Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, Tổng thống Italia Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis.
Tháp tùng Chủ tịch nước và phu nhân có: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Thứ trưởng Quốc phòng Võ Minh Lương; Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang; Thứ trưởng KH&CN Bùi Thế Duy; Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Quang Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn; Trợ lý Chủ tịch nước Dương Quốc Hưng; Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên; Đại sứ Việt Nam tại Italia Dương Hải Hưng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Áo của Chủ tịch nước Việt Nam trong vòng 15 năm qua và là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới Italia và Vatican trong vòng 7 năm qua.
Với chuyến thăm Italia của Chủ tịch nước, đây cũng là điểm nhấn quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Áo, Italia để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, lao động và đào tạo nghề, năng lượng tái tạo, giao lưu nhân dân.
Chủ tịch nước cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo hai nước, lãnh đạo các địa phương và tiếp lãnh đạo một số chính đảng của Italia, làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng sẽ gặp Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Áo, Italia và Vatican nhằm tiếp tục triển khai dường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với Áo, Italia và Vatican; thông qua Áo và Italy thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU và góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU.
Tiễn Chủ tịch nước và Phu nhân tại sân bay quốc tế Nội Bài có Đại sứ Áo tại Việt Nam và Đại sứ Italia tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Quan hệ Việt Nam với Áo, Italia và Vatican
Quan hệ Việt Nam và Áo trong hơn 50 năm qua ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Về chính trị và ngoại giao, hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao và các cấp. Hai bên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, các cuộc điện đàm.
Về kinh tế, Áo là một trong 10 đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Áo trong khối ASEAN. Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Áo trong năm 2022 là 2,79 tỉ USD.
Đối với quan hệ Việt Nam - Italia, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973, quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và phát triển nhanh chóng. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013.
Trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc được duy trì thường xuyên. Gần đây nhất, vào tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp song phương Thủ tướng Giorgia Meloni bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - EU tại Brussels (Bỉ).
Về kinh tế, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỉ USD. Italia hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại EU và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 36/141 của Việt Nam.
Với Tòa thánh Vatican, trong cuộc họp báo ngày 20/7/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết quan hệ hai bên thời gian qua có rất nhiều tiến triển tích cực.
Việt Nam và Tòa thánh Vatican duy trì tiếp xúc cấp cao, cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam - Vatican (từ năm 2008). Từ năm 2011, đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican đã hoạt động tại Việt Nam.
Ngày 31/3/2023 đã diễn ra cuộc họp vòng 10 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican, do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo.