Cụ thể, đối với những hộ trồng mía đã nhận tiền hỗ trợ không hoàn vốn của Casuco là 2,5 triệu đồng/ha khi ký kết hợp đồng bao tiêu với đơn vị thì mức giá sàn bảo hiểm là 770 đồng/kg (giá mía cân tại ruộng); riêng những hộ không nhận số tiền hỗ trợ ban đầu như trên thì mức giá bao tiêu là 800 đồng/kg (giá mía cân tại ruộng).
Niên vụ mía 2019 - 2020 được Casuco bao tiêu ở mức giá 770 đồng/kg và 800 đồng/kg
Khi có giá mía bao tiêu, cán bộ chuyên môn của Casuco tiến hành triển khai thông báo trực tiếp đến hộ trồng mía và chính quyền địa phương có vùng mía. Tuy nhiên, với mức giá thu mua được Casuco đề ra như trên thì người trồng mía và ngành chức năng các địa phương đều cho rằng nông dân trồng mía Hậu Giang sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong sản xuất.
Bên cạnh giá bán thì diện tích trồng mía của tỉnh vẫn chưa có sự thống nhất. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh báo cáo diện tích trồng mía của toàn tỉnh Hậu Giang trong niên vụ đang canh tác là 5.908,5ha; thế nhưng, lãnh đạo Casuco thì cho rằng diện tích không đạt đến như vậy. Bởi qua kết quả đo đạc thực tế mới đây của cán bộ Casuco, diện tích mía có tính luôn mương liếp trên địa bàn tỉnh chỉ có 4.266ha, nếu trừ mương liếp ra thì diện tích mía của tỉnh chỉ còn 2.559,67ha (đất đặt).
Trong đó, diện tích mía (tính đất đặt) tại huyện Phụng Hiệp là 2.243ha, thành phố Ngã Bảy là 249ha và thành phố Vị Thanh là 67,67ha. Đến gần giữa đầu tháng 6 này, Casuco đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân được 1.136,43ha; diện tích chưa ký hợp đồng đa phần do bà con dùng để bán mía làm nước giải khát. Trước sự trăn trở về giá thu mua mía và diện tích canh tác, mong rằng ngành chức năng tỉnh và Casuco sớm có giải pháp tháo gỡ, nhất là về giá thu mua để tạo động lực cho nông dân gắn bó với cây mía.
Mấy năm nay, sản xuất mía không có lãi, thậm chí thua lỗ nên nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt phá bỏ ruộng mía. Tại Hậu Giang, từ năm 2018 trở về trước, mỗi năm sản xuất từ 10.580ha mía trở lên; năm 2020 chỉ còn không tới 5.900ha.
Tại Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang… hàng ngàn hécta mía đã bị nông dân phá bỏ để chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu, nuôi thủy sản. Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lo lắng, nếu vụ mía mới năm 2020 giá mía vẫn ở mức thấp và nông dân thua lỗ thì những cánh đồng mía sẽ thu hẹp mạnh hơn.
Mai Quỳnh