Hỗ trợ đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Cụ thể bà Lan hỏi:
1. Khi thực hiện đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng ngoài hàng rào dự án không? (hay nói cách khác là có được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào dự án không?). Nếu có thì được quy định tại văn bản pháp lý nào?
2. Theo Điều 13 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 của Chính phủ, có đề cập đến việc "Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn". Vậy việc hỗ trợ này được hiểu như thế nào? Hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư các dịch vụ công và đầu tư hạ tầng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hay là hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp về các dịch vụ công và hạ tầng cho doanh nghiệp
3. Theo Khoản 6, Điều 13 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 của Chính phủ, có nêu "Hỗ trợ ngoài hàng rào: Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Nghị định này nếu bên ngoài hàng rào dự án chưa có đường giao thông đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án thì được hỗ trợ bổ sung 70% chi phí và không quá 05 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục trên".
Tuy nhiên, đối với nhiều dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mức vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (chẳng hạn như các dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng) thì việc hỗ trợ ngoài hàng rào tối đa không quá 05 tỷ đồng là quá thấp. Nếu chúng tôi đề nghị được hỗ trợ mức 40 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào dự án (đường giao thông, điện, nước,...) đối với các dự án đầu tư 2.000 tỷ đồng thì có được không? Và hiện nay có chính sách nào giúp tháo gỡ vướng mắc trên cho doanh nghiệp không?
Về nội dung trên, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trả lời như sau: Khi thực hiện đầu tư dự án NNUDCNC, doanh nghiệp có được hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án không? (hay nói cách khác có được hỗ trợ đầu tư CSHT đến chân hàng rào dự án ko?. Nếu có quy định tại văn bản nào?
Hiện nay, việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và cơ sở hạ tầng trong hàng rào mới được quy định cho khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng NNUDCNC. Cụ thể, Khoản 4b, Mục IV của Quyết định 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 quy định “Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Luật Công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích xã hội hóa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài”.
Các dự án NNUDCNC được Bộ NN&PTNT công nhận khi đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quyết định 34/2019/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được hưởng các chính sách quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP “Doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường”.
Hỗ trợ đầu tư ngoài hàng rào dự án được quy định tại khoản 6, Điều 13 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP cho đối tượng là các doanh nghiệp đầu từ vào nông nghiệp “Hỗ trợ ngoài hàng rào: Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo quy định của Nghị định này nếu bên ngoài hàng rào dự án chưa có đường giao thông đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án thì được hỗ trợ bổ sung 70% chi phí và không quá 05 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục trên”.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu tại từng tỉnh đầu tư sẽ có các chính ưu đãi hỗ trợ riêng để cụ thể hóa các chính sách của Trung ương. Ví dụ tại Nghệ An, HĐND tỉnh ban hành Nghị Quyết 106/2013/NQ-HĐND ngày 13/12/2013 Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các dự án công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 – 2020. Trong đó, Điều 2. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với Dự án Công nghệ cao được Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp Giấy chứng nhận
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: a) San lấp mặt bằng: Nhà đầu tư tự bỏ vốn để san lấp mặt bằng trong hàng rào dự án được UBND tỉnh hỗ trợ tối đa 50% chi phí trên cơ sở thiết kế, dự toán và số liệu quyết toán thực tế được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phê duyệt nhưng không vượt quá các mức sau: 03 tỷ đồng cho các dự án có tổng mức đầu tư từ 50 tỷ đến 100 tỷ đồng; 05 tỷ đồng cho các dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đến 200 tỷ đồng; 07 tỷ đồng cho các dự án có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng.
b) Đường giao thông: Được tỉnh đầu tư xây dựng không quá 7km đường giao thông từ trục chính (đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện) vào trung tâm vùng nguyên liệu tập trung như: Chè, cà phê, cam, dứa, chuối, cỏ, cây cao lương... có diện tích quy mô từ 100 ha trở lên, phục vụ cho công nghiệp chế biến trong các dự án công nghệ cao.
c) Cấp điện: tỉnh cam kết cấp điện đến hàng rào của dự án, hoặc trung tâm vùng nguyên liệu của dự án theo nhu cầu phụ tải và cấp điện áp.
d) Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông: Được tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông tin, đường truyền Internet tốc độ cao đến các Khu Công nghệ Thông tin tập trung của tỉnh.
Theo điều 13 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 của Chính phủ có đề cập đến việc “Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn”. Vậy việc hỗ trợ này được hiểu như thế nào? Hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư vào các dịch vụ công và đầu tư hạ tầng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hay là hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp về các dịch vụ công và hạ tầng cho doanh nghiệp.
Điều 13 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP đồng thời đưa ra các hỗ trợ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công, vừa đưa ra các mức hỗ trợ dịch vụ công và đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp nông nghiệp.
Cụ thể Khoản 1, 2, 4, Điều 13, Nghị định 57 đưa ra mức hỗ trợ cho doanh nghiệp có dự án cung cấp nước sạch, doanh nghiệp có dự án thu gom xử lý chất thải, và doanh nghiệp có dự án xây dựng bến cảng phục vụ vận chuyển sản phẩm nông lâm thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước, công trình thủy lợi làm dịch vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Khoản 2, Điều 13 đưa ra mức hỗ trợ dịch vụ điện nước, hạ tầng, xử lý môi trường, Khoản 5 đưa ra mức hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội còn Khoản 6 đưa ra mức hỗ trợ ngoài hàng rào cho doanh nghiệp nông nghiệp nói chung.
Theo khoản 6, Điều 13 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP có nêu “Hỗ trợ ngoài hàng rào: Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo quy định của Nghị định này nếu bên ngoài hàng rào dự án chưa có đường giao thông đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, cấp thoát nước để phục vụ dự án thì được hỗ trợ bổ sung 70% chi phí và không quá 05 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục trên”
Tuy nhiên đối với nhiều dự án NNUDCNC có mức vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (chẳng hạn như các dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao có tổng mức đầu tư trên 2000 tỷ đồng) thì việc hỗ trợ ngoài hàng rào tối đa không quá 05 tỷ đồng là quá thấp. Nếu chúng tôi đề nghị được mức hỗ trợ 40 tỷ đồng để đầu tư xây dựng ngoài hàng rào dự án (đường giao thông, điện, nước…) đối với các dự án đầu tư trên 2.000 tỷ đồng thì có được không? Và hiện nay có chính sách nào giúp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Mức hỗ trợ quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP đưa ra có hạn mức không quá 5 tỷ đồng trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Ngoài ra, quan điểm của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư; tập trung đẩy mạnh hỗ trợ thông qua các chính sách đất đai, tín dụng, thuế phí đồng thời phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, tạo cơ chế để các bên chủ động tham gia; loại bỏ toàn bộ các thủ tục phải trình. Tuy nhiên, doanh nghiệp có dự án NNUDCNC cần tìm hiểu chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư tại địa bàn đầu tư để có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng mà từng tỉnh ban hành phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.