Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nghị quyết hướng dẫn thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình |
Để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Theo đó, Nghị quyết quy định cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện và báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nhằm bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giải quyết những vướng mắc trong thực tế, thực hiện ngay trong năm 2022.
Đồng thời, góp phần thiết thực nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; làm cơ sở nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thời gian tới.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến từ lâu. Công việc kéo dài đến nay là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này nhưng vẫn còn có những nội dung chuẩn bị chưa chín, chưa kỹ. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến để làm sao đi đến thống nhất trong thời gian ngắn nhất ban hành được Nghị quyết này.
Liên quan đến sự cần thiết và căn cứ ban hành Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội làm rõ, hằng năm ngoài Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ giao cũng tiến hành kiểm tra vấn đề này và đều có báo cáo hay Kiểm toán Nhà nước khi kiểm tra, kiểm toán tình hình thực hiện nhiệm vụ cũng phát hiện nhiều văn bản không phù hợp và có kiến nghị xử lý. Tuy nhiên việc xử lý các văn bản này còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Dẫn chứng năm 2021, Bộ Tư pháp kiểm tra và phát hiện có đến 64 văn bản trái pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, một năm mà có nhiều văn bản ban hành sai như thế, sai thẩm quyền, không đúng nội dung thì không thấy nói đến xử lý, trách nhiệm thì có bảo đảm nghiêm minh?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì vấn đề thượng tôn pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng trong đó trước nhất là thượng tôn pháp luật trong ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản. Cơ quan nhà nước phải nghiêm thì người dân, doanh nghiệp mới nghiêm được. Do đó, việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là rất cần thiết và cấp bách.
Làm rõ thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, chỉ đạo, điều hòa, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Để thực hiện chức năng chỉ đạo, điều hòa, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan cần có ban hành văn bản. Đây là điều cần được làm rõ trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về thể thức văn bản, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ văn bản này vừa có cả những quy định, phạm vi, nội dung giám sát, kỳ báo cáo, quy trình, thủ tục. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tiếp tục trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng để đi đến thống nhất, bảo đảm thuyết phục về thể thức văn bản.
Về lĩnh vực, phạm vi giám sát, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, vấn đề này khác với việc giao cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban chủ trì thẩm tra văn bản luật, giám sát phải theo lĩnh vực mà Hội đồng Dân tộc, các cơ quan được phân công phụ trách, trừ những trường hợp có quy định khác hoặc theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, các cơ quan vẫn duy trì giám sát chuyên đề. Chủ tịch Quốc hội cho rằng các cơ quan không nên cát cứ theo kiểu văn bản nọ, văn bản kia mà cần theo dõi khi một luật được ban hành có bao nhiêu văn bản hướng dẫn, ban hành bao nhiêu, có văn bản nào chậm… để đôn đốc triển khai, đi sâu vào nội dung rất quan trọng.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến hoạt động giám sát thường xuyên hay giám sát chuyên đề. Giám sát thường xuyên gắn với kỳ báo cáo. Giám sát thường xuyên được tiến hành liên tục theo chức năng, lĩnh vực được phân công và kỳ báo cáo định kỳ nên quy định ngày 31/12. Ngoài báo cáo định kỳ còn có thể báo cáo đột xuất khi thấy cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng khi phát hiện ra một văn bản thuế hướng dẫn sai, nếu chờ đến ngày 31/12 đến hạn báo cáo thì không có ý nghĩa. Do đó, khi phát hiện ra văn bản sai hoặc trái Hiến pháp thì tức thời báo cáo ngay và hành động ngay mà không cần phải chờ đến kỳ báo cáo là ngày 31/12. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm kỹ hơn về báo cáo kỳ hạn và báo cáo đột xuất khi cần thiết.
Về giám sát chuyên đề, giám sát các văn bản trong một lĩnh vực nhất định trong một giai đoạn cụ thể có thể dẫn chiếu sang Luật Hoạt động giám sát hay quy trình giám sát hoặc thấy cần thiết có thể quy định cụ thể trong Nghị quyết này. Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, về kỳ giám sát, kỳ báo cáo nên phân biệt giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề bởi đây là vấn đề liên quan đến phạm vi giám sát.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nếu như trường hợp coi Nghị quyết này là một văn bản hướng dẫn thì nên tích hợp tất cả các quy định của các văn bản luật, để trở thành cẩm nang. Trường hợp coi đây là văn bản quy phạm pháp luật thì những nội dung mà các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định thì không quy định lại.
Lưu ý đây là lần thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này song vẫn còn những nội dung chưa thống nhất, chưa đạt đồng thuận cao, do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tập trung giải quyết dứt điểm, để sớm trình ký ban hành.