Chưa bao giờ như hiện nay, không thể có một nền độc lập chân chính nếu quốc gia-dân tộc không có quyền tự quyết; dân tộc không thể có chủ quyền thực sự, càng không thể tự cường và phát triển nếu không thống nhất toàn vẹn; nhân dân không thể có tự do nếu dân tộc bị lệ thuộc vào dân tộc khác.
Độc lập dân tộc phải là độc lập thật sự về chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại... góp phần xóa bỏ tình trạng áp bức, bóc lột và nô dịch của dân tộc này với dân tộc khác về kinh tế, chính trị và tinh thần. Độc lập gắn liền với tự do, thống nhất, bình đẳng và tự quyết, không chấp nhận hay chịu bất cứ sức ép nào, sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Nội (2-9-1945 / 2-9-2015) |
Toàn bộ khả năng và điều kiện hiện thực Việt Nam lựa chọn chỉ duy nhất là con đường gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đó chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là thực hiện triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chủ nghĩa xã hội thực hiện độc lập dân tộc để mở đường dân tộc đi tới sự phồn vinh về kinh tế, sự phát triển phong phú, đa dạng về văn hóa, tinh thần, sự bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân. Đó là nền tảng để đất nước tự cường, phát triển cùng các quốc gia khác và nhịp bước cùng thời đại.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành hệ giá trị phát triển bất biến của Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, trong thời đại ngày nay. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Dân tộc độc lập trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao và chủ quyền quốc gia tự quyết; đồng thời phát triển vẻ vang tinh thần tự do, bảo vệ sự thống nhất quốc gia và bảo toàn danh dự của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: Chúng ta đã hy sinh, đã giành được độc lập, dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi dân được ăn no, mặc đủ. Đây chính là thước đo phát triển của nền độc lập dân tộc thấm đẫm tinh thần tự quyết, phát triển, tiến bộ, tính nhân văn cao cả về quyền con người bất khả xâm phạm gắn liền với quyền độc lập thiêng liêng và tự quyết dân tộc vô giá.
Từ kinh nghiệm và bài học thực tế của Việt Nam và thế giới, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” và “mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do" càng thôi thúc dân tộc làm thật tốt việc hệ trọng đó. Đó là phương lược phát triển và bảo vệ vững chãi nền độc lập, tự do của Tổ quốc từ gốc rễ, từ sớm, từ xa. Phải lấy “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” là máu thịt của chế độ, phải chăm lo hạnh phúc của nhân dân thật vẹn toàn và vững chãi, làm căn bản của nền độc lập, tự do; phải vun cái gốc nhân dân để đất nước tự mình trở nên hùng mạnh, bền vững và quyết giữ yên giang san, biển, đảo, bờ cõi của ta.
Hơn bao giờ hết, hiện nay, nếu tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất đất nước càng tỏa sáng thì tất cả phải vì con người, vì dân tộc; lấy con người làm mục tiêu của mọi sự phát triển, đặt lợi ích dân tộc lên tối cao... trở thành quy luật phát triển một cách nhân văn. Vì, độc lập, tự do, thống nhất là quy luật khẳng định địa vị, tư cách và sự phát triển một cách nhân văn và bền vững, là mục tiêu hướng tới của mọi quốc gia-dân tộc tiến bộ trên thế giới, vì một thế giới hòa bình, thống nhất và thịnh vượng.
Độc lập chính là nương theo ngọn gió thời đại và hội nhập một cách khôn khéo; là mang tinh thần nhân văn của thời đại để giữ vững nền độc lập của dân tộc, bảo vệ quyền tự quyết và tự do của Tổ quốc. Hùng cường sẽ không còn nhược tiểu và yếu hèn. Khi càng hùng cường mới càng giữ vững sự kiên định, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Độc lập và hùng cường, đó là sự bảo đảm cho dân tộc ta xác lập vị thế chính trị mới trong mối tương quan với các quốc gia, dân tộc khác và vươn tới sự phồn vinh, văn minh, hiện đại, công bằng, dân chủ và hội nhập.
Tiếp tục truyền thống lịch sử mấy nghìn năm, gần 80 năm qua, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới, trong bối cảnh mới, để hóa giải nguy cơ mới và chớp lấy thời vận mới, đất nước càng mạnh bước và tự tin trên con đường đổi mới, dân tộc càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì nền độc lập, tự do và hùng cường của Tổ quốc. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu mà còn là cương lĩnh hành động của dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng.
Độc lập và hùng cường!
Đây không chỉ là ý chí mà còn là danh dự Việt Nam, quyết định không chỉ vị thế của đất nước, sức mạnh của dân tộc, uy tín của quốc thể Việt Nam mà còn là thước đo liêm sỉ của mỗi người Việt Nam, dù trong nước hay ở nước ngoài.
Hơn bao giờ hết, lúc này, chính trị là kinh tế. Hơn nữa, lúc này, kinh tế là tiết kiệm. Không tiết kiệm, không phòng, chống lãng phí, tham nhũng mạnh mẽ và hiệu quả, nhất định không có sự hùng cường nào cả về kinh tế, càng không có vị thế đất nước xứng đáng trên trường quốc tế.
Trọng trách lịch sử đó đòi hỏi sự phát triển ở đỉnh cao danh dự, lương tri, trí tuệ, bản lĩnh, sự cao thượng và phẩm giá dân tộc trên nền tảng văn hóa dân tộc rất mực nhân ái, chan hòa, thủy chung.
Dù thời cuộc biến đổi, xoay vần ra sao, dù đối mặt với xu thế toàn cầu hóa phức tạp thế nào, dù đất nước đối mặt với sinh tử bao nhiêu... thì hệ giá trị độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tầm nhìn, quyết sách và hành động mãi là quốc bảo trong ứng hóa với mọi đổi thay của thế giới, để dân tộc ta càng vững chãi trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội bất biến; để giữa thế kỷ 21 là “thời khắc của số thành 2045” Việt Nam độc lập và hùng cường, sánh vai cùng các quốc gia phát triển trên thế giới, trong xu thế đi lên của thời đại.