Giá vàng miếng SJC tăng lên 84 triệu đồng/lượng Có nên mua vàng lúc này khi giá liên tục lập đỉnh? Giá vàng nhẫn tăng lên trên 83 triệu đồng/lượng |
Giá vàng nhẫn mua vào cao hơn nửa triệu đồng một lượng so với vàng miếng SJC. Ảnh Báo Tuổi trẻ |
Sáng nay (4/10), giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 82 - 84 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng nhẫn 4 số 9 được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 81,9 triệu đồng và bán ra 83,2 triệu đồng, tăng 300.000 đồng ở chiều mua và tăng 200.000 đồng ở chiều bán ra sau một ngày.
Tương tự, Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vàng nhẫn với giá 82,3 triệu đồng và bán ra 83,2 triệu đồng, tăng 100.000 đồng ở chiều mua vào nhưng giữ nguyên chiều bán ra; Tập đoàn Doji mua vàng nhẫn ở mức 82,5 triệu đồng và bán ra 83,5 triệu đồng, tăng 200.000 đồng…
Do vàng miếng SJC điều chỉnh chậm hơn biến động của thế giới nên không còn chênh lệch với vàng nhẫn. Thậm chí, trong tháng 9, giá vàng nhẫn cũng liên tục lập kỷ lục mới và leo cao bằng vàng miếng. Hiện tượng này trái với trước đây, khi một lượng vàng miếng thường neo cao hơn chục triệu đồng so với nhẫn trơn, dù bản chất cùng là vàng 4 số 9.
Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng xuất phát từ chính sách "ấn định" giá vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước trong khi nhẫn trơn vẫn diễn biến theo kim loại quý quốc tế.
Theo đó, ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), sau đó các đơn vị này phân phối tới người dân. Giá vàng miếng bán ra thị trường bằng giá bán can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước cộng với biên độ tối đa 1 triệu đồng. Chỉ trong một tuần, mỗi lượng vàng miếng SJC giảm tới 9-10 triệu đồng, tương đương mức điều chỉnh 10%. Từ mức "vênh" hơn chục triệu đồng so với vàng nhẫn, giá vàng miếng chỉ còn cao hơn khoảng 5 triệu đồng.
Thời điểm giữa tháng 6 đến nửa tháng 7, kịch bản giá vàng miếng điều chỉnh chậm hơn so với thế giới tiếp diễn, khiến nhẫn trơn có lúc lên sát vàng miếng.
Và hai tuần trở lại đây, giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục, tăng tới 160 USD, tức gần 7%. Giá vàng nhẫn trong nước cũng đi lên với tốc độ tương đương, tăng thêm 4 triệu đồng một lượng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không cập nhật giá vàng miếng hàng ngày mà chỉ có 3 lần thay đổi, mỗi lần điều chỉnh biên độ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng khiến giá thu mua nhẫn trơn lại cao hơn vàng miếng.
Trên thực tế, lượng cung vàng miếng ra thị trường khá hạn chế so với trước đây, khi chỉ có 5 đơn vị phân phối với số lượng hạn chế. Các doanh nghiệp có giấy phép khác trên thị trường gần như không bán vàng miếng vì không có nguồn cung.
Trong bối cảnh này, nhẫn trơn 24K là mặt hàng đầu tư, tích luỹ được ưa chuộng. Tuy nhiên, nguồn nhẫn trơn cũng trồi sụt theo từng thời điểm, không dồi dào. "Giá thu mua vàng nhẫn vì vậy được nhà vàng đưa lên cao, sát với giá bán ra và thậm chí cao hơn vàng miếng", một chuyên gia nói.
Kim loại quý đang trong chu kỳ tăng. |
Dự báo về giá vàng thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng kim loại quý đang trong chu kỳ tăng. Tuy nhiên, vàng vẫn có thể đối diện với các đợt điều chỉnh ngắn hạn.
Carlo Alberto De Casa, chuyên gia phân tích thị trường của Kinesis Money, cho biết dù đang chịu áp lực ngắn hạn từ sức mạnh của đồng USD, nhưng môi trường vẫn đang rất thuận lợi cho vàng.
De Casa cho rằng, nếu dữ liệu việc làm được báo cáo trong thời gian tới yếu hơn dự kiến sẽ làm tăng khả năng Fed cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 11. Kịch bản này đẩy giá vàng lên mức kỷ lục.
Về lâu dài, Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ, cho rằng triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed sẽ thúc đẩy giá vàng. Mức tăng 28% của vàng kể từ đầu năm đến nay tác động từ chính sách nới lỏng lãi suất của Fed.
Chuyên gia: Giá vàng nhẫn tăng mạnh những ngày qua là chuyện “rất bình thường” |
Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới, vượt 83 triệu đồng/lượng |
Bất ngờ, giá vàng nhẫn bán ra gần bằng vàng miếng SJC |