Bộ Công thương xin đồng cảm với doanh nghiệp, người dân vì thiếu điện
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, liên quan đến vấn đề thiếu điện cũng như giải pháp trong thời gian tới, Thứ tưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ở thời điểm hiện tại có một số nơi đang thiếu điện để sản xuất, phục vụ đời sống của người dân.
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ: "Thay mặt Bộ Công thương, tôi xin được bày tỏ sự đồng cảm, sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp cũng như sự bất tiện, thậm chí là nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và thời tiết nắng nóng kỷ lục hiện nay".
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin về việc thiếu điện tại buổi họp báo. |
Liên quan đến tình hình cung ứng điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong 4 tháng đầu năm việc cung ứng tương đối ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, nắng nóng kỷ lục đã diễn ra, có diễn biến khó lường và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài nên làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt.
"Nhận định tình hình khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có chỉ đạo EVN, PVN, TKV và các đơn vị có liên quan theo sát tình hình thời tiết, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho phát điện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nguồn và lưới điện…", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện; Chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp quyết liệt, khẩn trương nhằm ứng phó, đảm bảo cung ứng điện trong những tháng nắng nóng.
Về giải pháp, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, có 3 giải pháp chính:
Thứ nhất, Bộ Công Thương đã tăng cường đảm bảo công tác vận hành hệ thống điện sẵn có và cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất điện.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tập trung thực hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023. Bộ Công Thương đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ EVN thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện: chuẩn bị nhiên liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện; thành lập, tăng cường các bộ phận trực ca và ứng trực hỗ trợ công tác vận hành; thực hành tiết kiệm điện ngay trong các đơn vị nội bộ; đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đảm bảo cho vận hành an toàn, hiệu quả; khẩn trương khắc phục những sự cố, tồn tại để đưa vào vận hành các nhà máy điện phục vụ cho cung cấp điện.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu tăng sản lượng than cho cấp điện, điều tiết việc cung cấp than để tăng lượng than cho phát điện khoảng 300 nghìn tấn cho tháng 5 và khoảng 100 nghìn tấn cho mỗi tháng tiếp theo (tháng 6, tháng 7); tăng 18% lượng khí cấp khu vực Đông Nam Bộ và 8% lượng khí cấp khu vực Tây Nam Bộ cho sản xuất điện.
Thứ hai, khẩn trương đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, nối lưới để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.
Tính đến 17h30 ngày 31/5/2023, có 7 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 430,22 MW đã chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và hiện nay đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có thể phát điện lên lưới.
Có 59/85 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 3.389,8 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 50 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.751,6 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 46/50 dự án.
19 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 22 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 26/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.346 MW chưa gửi hồ sơ đến EVN để đàm phán giá điện.
Thứ ba, tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện.
"Xin khẳng định lại, không phải khi có nguy cơ thiếu điện thì chúng ta mới phải tiết kiệm điện, mà đây là chính sách xuyên suốt, lâu dài từ trước đến nay. Bộ Công Thương đã có riêng 1 đơn vị phụ trách lĩnh vực này là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy, tuyên truyền về tiết kiệm điện như Chiến dịch Giờ Trái đất có hoạt động tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ. Trong bối cảnh nguồn cung điện khó khăn như hiện nay, tiết kiệm điện càng có vai trò quan trọng, ý nghĩa đặc biệt và mang lại hiệu quả tức thời, thiết thực, cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đã tổ chức phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 kêu gọi và đề nghị UBND các tỉnh thành phố, các bộ, ngành Trung ương có liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng; làm việc trực tiếp với các khách hàng sử đụng điện lớn để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình cung cấp điện, đặc biệt là giảm việc tiêu thụ điện trong các giờ cao điểm của hệ thống điện.
Hiện nay đã có 55/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn, triển khai các công tác tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện cùng chung tay thực hành tiết kiệm điện, xây dựng kế hoạch sử dụng điện hợp lý, hiệu quả.
Kết quả sản lượng điện tiết kiệm hàng ngày hiện đạt mức khoảng 20 triệu kWh/ngày (tương đương khoảng 2,5% điện năng tiêu thụ hàng ngày).
Trong thời gian tới, với quy mô tổng công suất đặt đạt 81.504 MW, trong khi nhu cầu phụ tải cao nhất là hơn 44.000 MW, nếu chúng ta đảm bảo các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ hợp lý, thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện, chúng ta sẽ có thể khắc phục được vấn đề thiếu điện, đảm bảo được cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn |
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, đầu tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp về vấn đề cung ứng điện.
"Tổng nguồn của các nhà máy điện chúng ta khoảng 81.000 MW, thời điểm sử dụng cao nhất vào tháng 5, tháng 6 chỉ ở mức khoảng 44.000 MW, tương đương khoảng 54,32% tổng công suất nguồn điện. Như vậy có thể yên tâm về nguồn điện, vấn đề bây giờ là sử dụng, vận hành hệ thống như thế nào thôi", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.
Tháo gỡ khó khăn cho dự án điện trên cơ sở tuân thủ đúng quy định pháp luật
Liên quan đến việc giải quyết các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong Quy hoạch, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trong đó, chỉ nêu tổng công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến phát triển đến năm 2030, không có tên dự án cụ thể. Cơ cấu nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 như sau: Điện gió trên bờ 21.880 MW; Điện gió ngoài khơi 6.000 MW, trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn; Điện mặt trời 12.836 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, khi đó sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch, chúng tôi khẳng định, hiện nay Bộ Công Thương đã có những văn bản, những hướng dẫn để giải quyết |
Tuy nhiên, đối với những dự án như phóng viên đề cập - là những dự án không nằm trong Quy hoạch, hiện nay Bộ Công Thương đã có các văn bản quy phạm pháp luật, công văn hướng dẫn để giải quyết, xử lý.
Căn cứ quy định tại Luật Giá, Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT và Quyết định số 21/QĐ-BCT làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 10 công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc EVN và các chủ đầu tư dự án điện khẩn trương đàm phán, thống nhất giá điện, đảm bảo nguyên tắc giá điện với lợi nhuận hợp lý, các dự án tuân thủ quy định pháp luật và không vượt quá khung giá phát điện.
Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết, tuy nhiên ngoài vấn đề cơ chế giá điện, các dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật khác như về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy v.v… Bộ Công Thương đã thường xuyên làm việc với EVN và các nhà máy điện chuyển tiếp để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo xử lý. Đồng thời Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể cho EVN cũng như gửi các địa phương để kịp thời hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền; hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực các hoàn thành.
Với sự phối hợp tích cực, thiện chí của các bên trong triển khai những giải pháp tháo gỡ theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro" và tuân thủ các quy định pháp luật, các dự án điện chuyển tiếp sẽ khắc phục được vướng mắc, tồn tại - thậm chí là vi phạm - trong thời gian sớm nhất, qua đó tháo gỡ khó khăn cho chính các chủ đầu tư dự án, giúp dự án sớm được đưa vào vận hành thương mại, phát điện lên hệ thống điện quốc gia, góp phần tăng nguồn cung, đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.