Giá điện tăng 4,5% lên hơn 2.000 đồng/kWh từ hôm nay (9/11) Bộ Tài chính từ chối gắn trách nhiệm về điều hành giá điện Đề xuất biểu giá điện còn 5 bậc, cao nhất hơn 3.600 đồng/kWh |
Bộ Công thương đề xuất tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024. |
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá đầu tuần này, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023, với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.
Đề xuất tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng năm ngoái dù được điều chỉnh giá bán hai lần. Tính chung 2022-2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, trong đó số lỗ sau kiểm toán hợp nhất 2022 gần 20.750 tỷ đồng. Khoản này chưa gồm chênh lệch tỷ giá treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỷ đồng.
Báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương hồi tháng 12, giá điện bình quân năm 2023 của tập đoàn ước đạt 1.950 đồng/kWh, mặc dù tăng 68,48 đồng/kWh song vẫn đang thấp hơn so với giá thành.
Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2023, ông Nguyễn Anh Tuấn - tổng giám đốc EVN - cho hay hiện chỉ có giá thủy điện là nguồn đảm bảo ổn định nhất chiếm 28%.
Trong khi đó, năng lượng tái tạo có giá thành cao, với mức giá bình quân tương đương giá bán ra. Gần 45% sản lượng điện khác lại hoàn toàn phụ thuộc vào biến động giá thị trường.
Thực tế, chi phí sản xuất, giá thành điện hiện nay là 2.092,78 đồng/kWh nhưng giá bán lẻ bình quân là 1.950 đồng/kWh. Trong đó, chi phí giá thành nguồn điện được mua từ đơn vị EVN và nguồn ngoài EVN lên tới gần 1.620 đồng/kWh. Có nghĩa, tỉ trọng nguồn phát điện chiếm tới 80% chi phí giá thành.
Tổng giám đốc EVN cho rằng đây là con số "bất bình thường", cần phải xem xét lại việc vận hành thị trường điện. Bởi thực tế từ các nước, giá thành sản xuất điện từ nguồn phát dao động 40-50%, còn lại các khâu truyền tải, phân phối. Trong khi ở ta chiếm tới 80%, ảnh hưởng cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động.
Trong bối cảnh hai năm không cân đối được tài chính, năm 2024 tiếp tục đối mặt một loạt thách thức, tổng giám đốc EVN bày tỏ mong muốn sớm có điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện phù hợp với thực tế.
Dự báo có thêm đợt điều chỉnh giá điện năm nay cũng được nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra trong một báo cáo gần đây. Theo VCBS, hiện tượng El Nino xuất hiện nửa cuối 2023 và kéo dài tới nửa đầu năm nay là nguyên nhân khiến nước về các hồ thủy điện thấp, nhất là tại miền Bắc. Theo đó, điện than, khí giá thành cao buộc phải được tăng huy động, trong khi năng lượng tái tạo và nhập khẩu hạn chế. Việc này khiến tài chính của EVN tiếp tục khó khăn.
Nhóm nghiên cứu của VCBS kỳ vọng áp lực tăng giá điện sẽ giảm khi chu kỳ La Nina (ngược với El Nino) quay trở lại vào 2025, giúp giá nguyên vật liệu đầu vào (than, khí) giảm nhiệt về mức tương đương 2020-2021.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc tăng giá điện là cần thiết để bù đắp lỗ, nhưng EVN cần công khai, minh bạch trong giá mua, bán điện, kết quả kinh doanh để không ảnh hưởng tới tâm lý người dân. "Nếu thấy giá điện chỉ tăng không giảm, người dân sẽ đặt câu hỏi. Đó là vấn đề phải truyền thông để người dân hiểu", ông góp ý.
Trình Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện trước ngày 25/10 |
Giá điện tăng 4,5% lên hơn 2.000 đồng/kWh từ hôm nay (9/11) |
Bộ Tài chính từ chối gắn trách nhiệm về điều hành giá điện |