Để ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, mới đây, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 3874/VP-KT, đề nghị sở ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát, lây lan diện rộng.
Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được Công văn số 3041/BNN-TY ngày 5/5/2020 của Bộ NN&PTNT về việc tập trung phòng, chống bệnh DTLCP tái phát, lây lan diện rộng. Trong đó cho biết, từ tháng 02/2019 đến nay, nhờ sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất có thể; cả nước có trên 99% số xã có bệnh DTLCP đã qua 30 ngày và các địa phương đã có văn bản công bố, thông báo hết bệnh DTLCP. Đây là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục xảy ra tại một số địa phương; trong đó có hiện tượng bệnh DTLCP tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố không phát bệnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố, trong thời gian qua bệnh DTLCP tiếp tục xảy ra tại một số địa phương; trong đó có hiện tượng bệnh DTLCP tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam.... Vì vậy, nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn lợn, tăng đàn lợn ngày càng gia tăng, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Để khẩn trương kiểm soát tốt các ổ dịch đang xảy ra, đồng thời chủ động phòng, chống bệnh tái phát và lây lan diện rộng, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT…; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Trong đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP đối với lợn, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng…
Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan… Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo UBND các cấp đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch...
Đối với các địa phương đã qua 30 ngày và không có lợn mắc bệnh DTLCP cần thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định hoặc có văn bản thông báo cho các cơ quan liên quan, cơ quan truyền thông để đưa tin về việc hết bệnh DTLCP trên địa bàn để người chăn nuôi nắm tình hình và tổ chức tái đàn, tăng đàn. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan…
Về việc trên, UBND thành phố giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và đề nghị của Bộ NN&PTNT; kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND thành phố nội dung vượt thẩm quyền.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tái đàn nhưng phải tuân thủ nghiêm quy trình an toàn sinh học.
Theo Thương hiệu & Sản phẩm đã đưa tin trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết tháng 2/2019, Việt Nam ghi nhận ổ dịch dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên, sau bốn tháng lan ra toàn quốc, đỉnh điểm tháng 5/2019 hầu hết các xã, huyện, tỉnh đều bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, tổng đàn lợn của thế giới cũng giảm 13%, đặc biệt Trung Quốc số liệu cuối năm 2019 chỉ còn 50% tổng đàn so với trước dịch.
Dịch tả lợn châu Phi khiến Việt Nam thiệt hại 6 triệu con trên tổng số số 31 triệu con, tương đương 20% tổng đàn. Đỉnh điểm nhất là tháng 5/2019 với khoảng 1,3 triệu con lợn bị chết.
“Dịch tả heo châu Phi đúng là một thảm họa, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, điển hình là Trung Quốc với mức thiệt hại lên tới khoảng 50% tổng đàn”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng nhận định Việt Nam đã hạn chế mức thấp nhất tỉ lệ thiệt hại trong bối cảnh không có thuốc chữa và lây qua nhiều con đường. Đồng thời, Việt Nam cũng đã giữ được 17 nghìn hạt nhân đó là đàn ông bà, chỉ thiệt hai 9% bằng việc đảm bảo an toàn sinh học.
Kết quả, đến nay, ngành chăn nuôi đã tái đàn được trên 80% so với tổng đàn lợn thời điểm trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Tuy nhiên, còn 20% đàn lợn nữa sẽ là một nhiệm vụ rất khó mà ngành phải tập trung, đẩy mạnh tái đàn, bảo đảm nhanh để trong quý III và quý IV cả nước có được đàn lợn phát triển bằng với trước khi dịch bệnh xảy ra.
Bộ trưởng Cường nhận định: “Nếu không thúc đẩy nhanh đàn lợn nhanh bền vững thì chúng ta đối mặt với nguy cơ mất một góc của ngành hàng này. Không ai có thể cứu mãi, chúng ta phải theo quy luật thị trường".
Thúc đẩy nhanh nhưng “nguồn vốn, giống ở đâu, trong khi dịch bệnh vẫn còn. Do đó, bài toán là cần tích cực nhưng cẩn trọng, thúc đẩy nhanh nhưng phải an toàn, bền vững”, Bộ trưởng trăn trở.
Liên quan đến vấn đề tái đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bài học rút ra trong quá trình phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Nếu làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh rất khó để xâm nhập vào chuồng trại hoặc nếu có xâm nhập vẫn đủ thời gian và biện pháp để xử lý, khắc phục để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Do đó, hiện nay các địa phương đang được khuyến khích tăng đàn, tái đàn, song quan điểm của Bộ NN&PTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn, bởi thực tế mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại rất lớn.
Minh Nhật