Mới đây, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB tại Việt Nam - Andrew Jeffries đã đưa ra nhận định: Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam không đứng ngoài tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế như các quốc gia khác.
Cụ thể, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế ADB cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm mạnh từ 3,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2020 xuống 0,4% trong quý II/2020, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB
Về phía cung, tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm từ 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 0,6% trong cùng kỳ năm nay do lượng khách du lịch nước ngoài giảm 56%, làm cho mức đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm từ 2,5 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước xuống 0,2 điểm phần trăm trong năm nay.
Du lịch nội địa bắt đầu phục hồi vào tháng 5 và tháng 6, nhưng lại bị chững lại do Covid-19 quay trở lại vào tháng 7. Tăng trưởng chậm lại, theo ADB, được phản ánh qua mức thu nhập và chi tiêu thấp hơn. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Doanh số bán lẻ trong tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 0,02% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tiêu dùng công cộng tăng lên do chi tiêu của Chính phủ, nâng mức tăng trưởng từ 5,6% trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 6,1% trong cùng kỳ năm nay.
Tăng trưởng suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp đóng cửa và nhiều người lao động mất việc làm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời kỳ, đã có 7,8 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập cá nhân bình quân giảm 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Kinh tế Việt được dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi
Đáng nói, ADB vẫn đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn. Theo đó, việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Thực tế, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Có thể thấy, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Hà An