Theo đó, Sở Công thương tỉnh Quảng Bình đã tổ nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hướng các thị trường này với hàng hóa sản xuất trong nước khá đa dạng, phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Sở Công thương cấp phép, chỉ đạo tổ chức hội chợ thương mại tại địa bàn hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa với sự tham gia của hơn 75 doanh nghiệp, trên 100 gian hàng, thu hút hơn 50 nghìn lượt khách/kỳ hội chợ. Qua đó, nâng cao điều kiện cho nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa có cơ hội mua sắm, sử dụng hàng hóa của Việt Nam sản xuất với chất lượng cao.
Nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong giai đoạn 2016 - 2019, Quảng Bình đã tổ chức được 9 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo cho các huyện: Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn. Chương trình thu hút 20 gian hàng/năm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp cho người dân tiếp cận và mua được các sản phẩm thiết yếu có chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ sản xuất, sinh hoạt; đồng thời tiêu thụ được các mặt hàng nông lâm sản do người dân địa phương sản xuất ra, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thêm thu nhập.
Quảng Bình đưa hàng Việt Nam tới vùng sâu, vùng xa
Đồng thời, tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện Đề án "Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công thương Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng 7 điểm bán hàng Việt tại các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch với diện tích 150m2/điểm và tổng số kinh phí hỗ trợ là 560 triệu đồng.
Lãnh đạo Sở Công thương Quảng Bình cho rằng, dù đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, đầu tư, tuy nhiên, kết cấu cơ sở hạ tầng thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương miền núi. Đặc biệt, việc thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước vào khu vực này còn nhiều hạn chế. Vốn đầu tư xây dựng các chợ cửa khẩu, chợ biên giới và công trình hạ tầng về thương mại tại khu vực này đòi hỏi rất lớn, tuy nhiên, Quảng Bình là tỉnh đang còn gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn chưa thể tự cân đối. Do đó, nhu cầu thu chi nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng thương mại miền núi, biên giới phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển thương mại nói chung và thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo nói riêng trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình đề nghị Chính phủ, bộ, ngành trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho địa phương để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ thương mại, nâng cấp đường giao thông, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực cửa khẩu, biên giới.
Linh Anh