Tại phiên họp thứ 4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. (Ảnh: TTXVN) |
Kết quả, chỉ số CCHC năm 2022 các Bộ, cơ quan ngang Bộ có 3 nhóm. Trong đó, chỉ số CCHC trên 90% bao gồm 2 đơn vị; từ trên 80% đến dưới 90% bao gồm 11 đơn vị; dưới 80% có 4 đơn vị. Chỉ số CCHC dưới 80% có 4 đơn vị. Có 11/17 Bộ có Chỉ số CCHC năm 2022 trên mức giá trị trung bình. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp thứ nhất về Chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả là 91,77%; đơn vị có kết quả Chỉ số năm 2022 thấp nhất là Bộ Ngoại giao với giá trị là 72,65%.
Kết quả chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm. Trong đó, Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả chỉ số từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố. Dẫn đầu lần lượt là Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Nghệ An đạt 86,67 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh thành, tăng một bậc so với năm 2021.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS năm 2022, Nghệ An đạt 82,82%, xếp thứ 14/63 tỉnh thành, tăng 21 bậc so với năm 2021. Các tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 1, tỉnh Thái Nguyên thứ 2, tỉnh Cà Mau xếp thứ 3, tỉnh Bình Dương thứ 4 và tỉnh Thanh Hoá thứ 5.
Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022) |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các Bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính trong thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các Bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác; phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.