Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, bao gồm các quy trình về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và quản lý thu chi ngân sách… Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại khoảng cách nhất định giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, giữa nội dung văn bản và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản. Tình trạng trốn thuế tài nguyên (chủ yếu là do khai báo không đúng sản lượng để tính thuế và sản lượng khai thác thực tế), vận chuyển, buôn bán lậu... đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, dẫn tới thất thu ngân sách. Đặc biệt, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của các bên trong khai khoáng còn rất hạn chế. Dẫn đến tình trạng người dân ở nhiều địa phương có các dự án khai khoáng chưa thể giám sát được nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, thậm chí, họ còn chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường dẫn đến tình trạng xung đột, tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp ở một số địa phương. Thực tế đã thấy rất rõ, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, nhiều nơi vô tổ chức đã không những làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, làm xuống cấp rất nhanh hệ thống đường xá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương nơi có khoáng sản. Với chức năng thông tin chuyên sâu, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam. Trong những năm qua Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã thông tin nhiều nội dung theo hướng chuyên sâu, chuyên ngành về việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên (nguyên liệu chính để nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thiên nhiên) trong đó có tài nguyên khoáng sản. Vì vậy Tạp chí đã tổ chức chuyên đề nghiên cứu khoa học với chủ đề: “Quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường tại các địa phương: Thực trạng và kết quả”. Trong quá trình triển khai chuyên đề, khảo sát thực tế, ngoài những việc đã làm được trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các tỉnh giúp hoạt động khoáng sản trái phép cơ bản đã được ngăn chặn, công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản được giữ vững và ổn định. Thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Vẫn còn tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản (cát sỏi, đất san lấp...) sai phép, trái phép chưa được xử lý dứt điểm; một số dự án khai thác khoáng sản còn chậm đi vào hoạt động, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường) còn chưa đầy đủ, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của một số đơn vị còn chậm và chưa đầy đủ… Trong khuôn khổ bài viết này, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm thông tin một số vấn đề tại mỏ khoáng sản Phú Lộc 2 thuộc xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) để các cơ quan chức năng địa phương tìm hiểu, nghiên cứu và có các phương án xử lý theo quy định của pháp luật. |
Xe tải nối đuôi nhau vào chở đất tại mỏ đất Phú Lộc 2 thuộc xã Phú Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) |
Theo thông tin tòa soạn có được, mỏ đất Phú Lộc 2 do Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Đức Toàn trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 4/3/2021.
Đến ngày 24/11/2021 mỏ khoáng sản này được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành giấy phép khai thác khoáng sản số 3850/GP-UBND do ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký.
Theo giấy phép số 3850/GP-UBND, mỏ đất Phú Lộc 2 có diện tích khai thác 6,0ha; mức sau khai thác thấp nhất là +52m; trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác là 1.669.677m3; Trữ lượng khai thác là 1.444.375m3; công suất 200.000m3 nguyên khai/năm.
Tại mục 3 Điều 2 của giấy phép này nêu rõ trách nhiệm của Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Đức Toàn: “Trước khi tiến hành khai thác, phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của Pháp Luật cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới hạn phạm vi khu vực được phép khai thác; phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của Pháp luật”.
Liên quan đến thông tin cho rằng mỏ đất Phú Lộc 2 đã khai thác vượt giới hạn phạm vi khu vực được phép khai thác. Ông Võ Chí Công, cán bộ địa chính xã Phú Lộc cho biết: “Vừa rồi đi kiểm tra mục đích là không điện cho chủ mà nghe dân báo khai thác ngoài cho nên không điện, vô (vào - PV) bắt để chụp ảnh, vô đến nơi thì máy móc xe cộ đã chuyển hết, chủ không ở đó, phương tiện không ở đó”.
Trả lời câu hỏi của PV, bằng cảm quan mắt thường thì mỏ đất Phú Lộc 2 có khai thác quá ranh giới hay chưa? Ông Công khẳng định: “Quá chứ, nằm ngoài rồi mà, mình chụp ảnh để biết đó là nằm ngoài, hai nữa là để biết được ngày tháng lên kiểm tra để mà làm việc với hộ dân, doanh nghiệp; cái thứ 3 nữa lên cũng phức tạp bởi mốc bàn giao mặt bằng không có mốc, mình họp ủy ban nhiều lần đề xuất vấn đề này là dân phản ánh khai thác ngoài mỏ thì chúng tôi lên để biết được khai thác trong hay ngoài mốc, hai nữa là hồ sơ không bàn giao”.
Xe tải ra khỏi mỏ dường như không qua trạm cân đã lắp sẵn |
Liên quan đến vấn đề trên, trước câu hỏi mỏ Phú Lộc 2 có đào vượt ranh giới không? ông Nguyễn Xuân Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc khẳng định: "Có đào chứ, UBND xã hôm trước vào kiểm tra nhưng không lập biên bản, giao ban tôi có nói, đi làm cái gì cũng phải lập biên bản, hôm trước huyện kiểm tra, sau kiểm tra lại đào tiếp".
Để có thông tin đa chiều PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Phú (SN 1977), theo thông tin đăng ký thì ông Phú là người đại diện của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Đức Toàn thì được biết: “Phú Lộc 2 chứ gì, của mình và mình đã ký hợp tác với một bên để họ khai thác, thực ra cái đấy chủ yếu thì bên đối tác nắm rõ thôi”.
Khi PV đặt câu hỏi về dấu hiệu khai thác ngoài khu vực mỏ thì được ông Phú cho hay: “Vừa rồi có làm việc với cơ quan Cảnh sát môi trường, không biết anh có tư liệu như thế nào, chúng tôi không khai thác ngoài mỏ”.
Hiện trạng khai thác tại mỏ Phú Lộc 2 |
Còn ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Quy định rõ ràng tổ chức cá nhân được phép khai thác, trong giấy phép khai thác nêu rất rõ chỉ được khai thác trong phạm vi diện tích, nếu đơn vị làm ra ngoài là đơn vị vi phạm, mà vi phạm thì nó căn cứ theo Nghị định 36 và Nghị định 04 sửa đổi một số điều, đơn vị khai thác phải có trách nhiệm, mất mốc cũng bị xử phạt”.
Từ Khoản 3 đến Khoản 10, Điều 37 Nghị định 36 "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản", nêu rõ: 3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 0,1 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 0,5 m đến dưới 01 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, cụ thể như sau: a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này; 4. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 01 m đến dưới 02 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên cụ thể như sau: a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này; 5. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,5 ha đến dưới 01 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 02 m đến dưới 03 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, cụ thể như sau: a) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này; 6. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ; hộ kinh doanh) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 01 ha đến dưới 1,5 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 03 m đến dưới 05 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, cụ thể như sau: a) Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; b) Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này; 7. Trường hợp hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 01 ha trở lên đối với hộ kinh doanh (1,5 ha trở lên với trường hợp còn lại); vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 05 m trở lên trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên được coi là hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị áp dụng mức phạt tiền cao nhất đối với loại khoáng sản tương ứng quy định tại Điều 47 Nghị định này. 8. Phạt tiền đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác, cụ thể như sau: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép đến dưới 02 m; b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác cát; sỏi vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100 m đến dưới 200 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 02 m đến dưới 05 m; c) Trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 200 m trở lên hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 05 m trở lên được coi là hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị áp dụng mức phạt tiền cao nhất tương ứng quy định tại điểm e khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 48 Nghị định này. 9. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần: Từ 03 tháng đến dưới 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 4, từ 06 tháng đến dưới 09 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 5 và điểm a khoản 8, từ 09 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 6 và điểm b khoản 8, từ 12 tháng đến 15 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 7 và điểm c khoản 8 Điều này. 10. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. b) Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này; c) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này. |