Trà ướp sen Tây Hồ được tôn vinh là “thiên cổ đệ nhất trà” không chỉ do công đoạn chế biến cầu kỳ mà còn bởi hương vị thanh tao như hội tụ tinh khí của đất trời Thăng Long, mang những nét đặc trưng sâu sắc trong văn hóa thưởng trà của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Tâm huyết giữ nghề truyền thống
Nằm nép mình trong con ngõ nhỏ ở Tây Hồ, Hà Nội, ngôi nhà của chị Mai Hoàng Thu Thảo luôn tỏa ngát hương sen thanh mát, tạo nên một không gian yên bình và thanh tịnh giữa lòng thủ đô nhộn nhịp.
Chào đón nhóm phóng viên chúng tôi là hình ảnh các thành viên trong gia đình chị Thảo đang miệt mài làm trà giữa hàng ngàn cánh sen Bách Diệp tỏa hương thơm ngát.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm trà ướp sen, đối với chị Mai Hoàng Thu Thảo, nghề này không chỉ là công việc mà còn là linh hồn, là niềm đam mê và sự gắn bó không thể thiếu trong cuộc sống của chị.
Chị Thảo chia sẻ, từ thời bao cấp, bà nội chị đã đem những bông sen từ đầm sen Tây Hồ về ướp trà, vừa để bán cho những người sành trà trên phố cổ, vừa để đãi khách. Một phần thu nhập từ trà sen luôn được bà dành ra để giúp những người khó khăn trong làng.
“Mặc dù có một khoảng thời gian việc làm trà sen của gia đình bị gián đoạn, nhưng từ hè năm 2015, khi bố mình nghỉ hưu, gia đình đã quyết tâm khôi phục lại nghề truyền thống này. Mình cũng bắt đầu giúp gia đình làm từ khi đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, mình nhận ra rằng việc làm trà sen không chỉ là một thói quen hay truyền thống gia đình mà đây còn là công việc mà bản thân vô cùng yêu thích. Mình cảm thấy hạnh phúc khi mỗi sớm thức dậy được ngửi thấy mùi hương dịu nhẹ của sen quyện cùng với hương chè thơm phức”, chị Thảo tâm sự.
Dù là một người trẻ nhưng chị Thảo rất tỉ mỉ, tâm huyết để tạo ra những bông trà sen đậm vị, chị luôn muốn phát triển ngành nghề truyền thống này nhằm góp phần lớn vào việc lưu giữ nét văn hóa mang đậm giá trị tinh túy của người Hà Nội.
Và cứ thế cái tên Trà sen Thiện Nhân được ấp ủ và thành lập, năm nay là tròn 10 năm gia đình chị xây dựng thương hiệu riêng và đưa sản phẩm trà sen ướp bông ra thị trường.
Nghệ thuật ướp và thưởng trà đầy tinh tế
Khi nhắc đến trà ướp sen, người ta thường nghĩ ngay đến một nghệ thuật tinh tế, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Từ việc chọn những bông sen tươi nhất, hái vào buổi sáng sớm khi sương còn đọng trên cánh hoa, cho đến quá trình ướp trà kéo dài nhiều ngày, mỗi bước đều đòi hỏi sự khéo léo và tâm huyết.
Theo như chị Thảo chia sẻ, quy trình làm trà sen bông tuy ít cầu kỳ hơn so với trà sen khô, nhưng để có được trà ngon và đượm hương, người làm trà đều cần những bí quyết, kỹ năng riêng.
Yếu tố quan trọng nhất là lựa chọn thời điểm để ướp trà vào sen. Vào khoảng 4h30 - 5h sáng, khi bông sen bắt đầu hé nở miệng bằng đồng xu chính là lúc thích hợp nhất để hái mang về để ướp trà.
Sau khi ướp trà, bông sen sẽ được gói chặt trong lá sen và dưỡng nước. Khi đó hoa sen sẽ bắt đầu vỡ túi hương và trà được ngấm đượm hương sen.
Cốt trà dùng để ướp sen bông thường là trà nõn tôm, trà xanh mộc trồng tại vùng đất Tân Cương (Thái Nguyên).
Sự kết hợp hoàn hảo giữa hai nguyên liệu đỉnh cao là sen Hồ Tây và trà Tân Cương đã tạo nên hương vị tinh tế của trà sen, đánh thức các giác quan, tạo cảm giác thư thái, tập trung, sáng tạo của người thưởng thức trà.
“Để tạo nên chén trà sen quý giá, điều quan trọng nhất là cái tâm của người làm trà. Phải giữ được sự lạc quan, yên vui để mỗi mẻ trà khi làm ra có được hương vị khó quên. Và khi uống trà ướp sen cũng là thưởng thức cả một nét văn hóa chứa đựng tinh hoa, tình cảm, cách ứng xử, giao thoa giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên”, chị Thảo bộc bạch.
Để thuận cho việc bảo quản lâu dài trà sen bông (vì mùa sen thường rất ngắn), gia đình chị Thảo cũng như các hộ gia đình làm trà khác thường chọn cách bọc thêm vào túi nilon, hút chân không rồi đem cấp đông sâu để có thể bảo quản bông trà sen hàng năm trời mà vẫn giữ nguyên được chất lượng.
Không những kế thừa truyền thống của gia đình chị Thảo còn không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để hoàn thiện nghệ thuật ướp trà sen.
Với mong muốn lan tỏa văn hoá trà sen rộng rãi tới khách hàng ở trong và ngoài nuóc, chị Thảo luôn tích cực quảng bá trà sen trên các trang mạng xã hội và lên kế hoạch tổ chức các workshop để tất cả mọi người có cơ hội tiếp cận với những giá trị văn hóa truyền thống. Bởi theo chị Thảo trà sen không chỉ là một thú vui mà còn là sản phẩm mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe như giúp giảm mỡ máu, giảm cân, ổn định nhịp tim, thanh nhiệt, giải độc cơ thể,...
Trong mỗi mẻ trà mà chị làm ra, không chỉ có hương vị của sen Tây Hồ, mà còn chứa đựng cả tình yêu và sự trân trọng đối với văn hóa dân tộc. Chị Thảo tin rằng, qua mỗi chén trà, người thưởng thức sẽ cảm nhận được không chỉ vị ngọt thanh của trà sen mà còn cả tấm lòng và sự tận tụy của người làm ra nó.
Cách Pha trà sen ngon chuẩn vị
Bước 1: Tráng ấm chén pha trà bằng nước sôi, không tráng trà để đảm bảo hương vị sen được đậm đà.
Bước 2: Tách cánh hoa, lấy phần trà và phần gạo sen màu trắng, nhị màu vàng bỏ vào ấm. Nếu uống loãng có thể lấy 1/2 hoặc 1/3 bông để pha.
Bước 3: Rót nước sôi vào ngập phần trà rồi lắc nhẹ ấm và ủ trà, sau đó rót ra chén và thưởng thức.
Nghề ướp trà sen Quảng An trở thành Di sản phi vật thể quốc gia Trà sen chính là hơi thở của văn hóa truyền thống, của bề dày lịch sử và hồn thiêng ngàn năm văn hiến. Nghề ướp trà sen chính là một nghề truyền thống vô cùng đáng quý, là niềm tự hào của người Hà Nội. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL về việc đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). |
Nội dung: Hải Anh |