e magazine
Tạo đột phá phát triển ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam

01/05/2024 07:45

Thị trường làm đẹp Việt Nam có tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh phát triển không ngừng của ngành công nghiệp sức khỏe và làm đẹp, việc giữ vững vị thế hàng đầu không chỉ là một lợi thế, mà còn là một yêu cầu chiến lược quan trọng.
Tạo đột phá phát triển ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam

Thị trường làm đẹp Việt Nam có tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh phát triển không ngừng của ngành công nghiệp sức khỏe và làm đẹp, việc giữ vững vị thế hàng đầu không chỉ là một lợi thế, mà còn là một yêu cầu chiến lược quan trọng.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm đã phối hợp với Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS); Hiệp hội/Hội trong ngành làm đẹp, cùng sự tham gia của lãnh đạo Ban ngành liên quan tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề: “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững”.

Tại Diễn đàn đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: "Từ thách thức đến cơ hội tạo đột phá phát triển ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam".

Thưa TS. Chu Quốc Thịnh - TP. Phòng Quản lý Mỹ phẩm (Cục quản lý Dược – Bộ Y tế) Liên minh Châu Âu vừa qua có đưa ra đạo luật về mỹ phẩm bền vững, xin hỏi ông về định hướng thế nào trong việc phát triển ngành mỹ phẩm “xanh” và phát triển bền vững tại Việt Nam? Đã có những bước triển khai cụ thể nào tới các doanh nghiệp, đơn vị về định hướng này? Với khát vọng xây dựng ngành làm đẹp thành ngành công nghiệp làm đẹp, liệu có khả thi trong giai đoạn 5 năm tới không, thưa ông?

Liên quan đến luật mỹ phẩm xanh và bền vững ở Liên minh châu Âu Cục Quản lý Dược cũng đã nghiên cứu đạo luật này. Thực tế Bộ Y tế cũng đã tổ chức đoàn công tác gồm các Vụ liên quan thuộc Bộ Y tế.

Hiện tại Bộ Y tế đang triển khai một Nghị định quản lý mỹ phẩm, Nghị định này gần như quy định từ sản xuất kinh doanh, phân phối đến bảo vệ người tiêu dùng. Trong thành phần ban soạn thảo đi tham gia sang Hàn Quốc, tôi được biết Hàn Quốc là một quốc gia có thị trường mỹ phẩm đứng đầu thế giới về mặt quy mô, đây là mô hình mà Bộ Y tế học tập đầu tiên. Hàn Quốc đi trước Việt Nam về ngành chăm sóc làm đẹp.

Tôi đã vào một viện nghiên cứu về sắc đẹp, tất cả những chẩn đoán và sử dụng tất cả mỹ phẩm, khi tư vấn và sử dụng bất kì một mỹ phẩm nào họ đều có các thiết bị máy móc gần như một lần khám chữa bệnh về da cho mình sau đó người ta quyết định đưa ra mỹ phẩm gì, độ ẩm như thế nào và các loại mỹ phẩm gì.

Đó là mô hình Việt Nam cũng cần nghiên cứu và đặc biệt mỹ phẩm thiên nhiên ở Hàn Quốc người ta tránh sự lạm dụng, cứ công bố các sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên nhưng thực tế lại là những sản phẩm không xuất phát từ thiên nhiên. Như vậy, Hàn Quốc cũng quy định một nhóm hàng riêng là mỹ phẩm thiên nhiên. Nói mỹ phẩm thiên nhiên nhưng quan trọng cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chí mỹ phẩm thiên nhiên. Đó là cái chúng tôi đang nghiên cứu để có thể đưa ra ở Việt Nam cho Nghị định quản lý mỹ phẩm.

Cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chí mỹ phẩm thiên nhiên

Thế mạnh của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á có rất nhiều dược liệu quý, rất nhiều dược liệu tốt cho sức khỏe mà hiện tại Việt Nam chưa tận dụng, chính vì vậy đó là nguồn nguyên liệu. Bản thân khi tôi công tác trong lĩnh vực, trước đây là trưởng phòng cấp phép thuốc, nhiều chuyên gia đặc biệt là công ty BA Pháp họ cũng muốn đầu tư công nghệ chiết xuất những sản phẩm tự nhiên ở Việt Nam.

Chính vì vậy, quan trọng là nguồn tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, mong muốn với định hướng của cơ quan quản lý là xây dựng Nghị định trên và cùng với định hướng về sản phẩm tự nhiên thì tôi hy vọng sắp tới các sản phẩm tự nhiên của Việt Nam sẽ bay xa và hai cánh chim đầu đàn của ngành mỹ phẩm Việt Nam là Hoa Linh và Sao Thái Dương - những doanh nghiệp trong top 20 doanh nghiệp đứng đầu thị trường bán lẻ ở Việt Nam về mỹ phẩm. Hy vọng đấy là những tiềm năng để các công ty khác tiếp tục phát triển, hướng bước để ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Tạo đột phá phát triển ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam

Thưa ông Hà Đình Bốn, với vai trò là Chủ tịch Hội đào tạo – Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về nguồn lực trong ngành làm đẹp hiện nay? Cần có cơ chế, giải pháp nào để có nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông? Hội đóng vai trò như thế nào trong việc kết nối và phát triển ngành làm đẹp tại Việt Nam?

Chúng ta thấy rằng nghề làm đẹp trong những năm qua đã phát triển rất mạnh ở Việt Nam, chúng ta đang từng bước phát triển so với các nước khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á và thế giới. Chúng ta đã có từng bước trong xu thế hội nhập chung về khu vực và quốc tế trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực làm đẹp của chúng ta cũng đang phát triển và hội nhập. Và chúng ta cũng đã hội nhập với các nước trong khu vực phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, các nước châu Âu, các nước Mỹ Latinh.

Tôi thấy rằng sự bùng nổ rất nhanh của nghề đào tạo và nghề làm đẹp ở Việt Nam là nguồn nhân lực. Mà nguồn nhân lực ở đây tôi muốn nói rằng là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực được đào tạo phải có chứng nhận, chứng chỉ, phải phù hợp với tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, thì nội dung này chắc chúng ta còn thiết hụt rất nhiều.

Tôi đã từng làm việc ở cơ quan quản lý Nhà nước nhiều năm, 10 năm ở Bộ Y tế - cơ quan hoạch định chính sách, hơn 20 năm ở Bộ Lao động - cơ quan quản lý nguồn nhân lực, tôi thấy rằng rằng nguồn nhân lực của chúng ta đang thiếu hụt và hầu hết các ngành hiện nay đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao, đòi hỏi phải có trình độ, có chứng chỉ thì chưa đáp ứng.

Hầu hết nhiều ngành nghề trong đó có nghề làm đẹp là lao động phổ thông, cơ bản lao động phổ thông, như chúng ta nói là chỉ học nghề, truyền nghề lẫn nhau và chúng ta chưa được đào tạo chính quy. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần phải nghiên cứu, cần phải có một nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện xem thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung trong đó nghề làm đẹp đến đâu chứ chúng ta không thể nói một cách phiến diện.

Bức tranh cho chúng ta nhìn thấy là có những điểm sáng là chúng ta đang phát triển rất mạnh, rất nhiều người tham gia, rất nhiều doanh nghiệp tham gia cũng như rất nhiều cơ quan tổ chức nhưng chúng ta thiếu hụt nguồn nhân lực, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, chúng ta đang tham gia vào thị trường này với nhiệt huyết, với sự hăng say cũng như với thị hiếu để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội còn về phát triển lâu dài thì tôi thấy rằng cần phải có một số định hướng rõ hơn, cần phải có một số giải pháp.

Tôi cho rằng cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần phải hoàn thiện quản lý Nhà nước. Hệ thống pháp luật ở đây là từ luật cho đến các văn bản chuẩn để quy định rõ ngành nghề nào được làm ở phạm vi nào, mức độ nào, phải sử dụng đến đâu và quan trọng nhất hiện nay phải là cải cách hành chính.

Vậy thì, từng nghề một, ai là người cấp phép, ai là người cấp chứng chỉ, ai là người cho phép phải cải cách, cải cách một cách rõ ràng, mạch lạc và để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người tham gia thị trường lao động. Khi tham gia thị trường lao động thì phải kết nối với các cơ quan, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp... Những người sản xuất ra, những người cung cấp dịch vụ, quan trọng hơn cả là nhu cầu của những người mong muốn làm đẹp. Họ muốn làm đẹp nhưng phải có chất lượng cao, muốn cho đẹp chứ không phải làm như tình trạng hiện nay một số vụ việc không những không đẹp mà còn thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe.

Các chuyên gia Nhật nói với tôi rằng, ở Nhật đây là một nghề ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người do đó dứt khoát là phải được đào tạo một cách bài bản và có giấy phép mới được hoạt động để chúng ta quản lý một cách chặt chẽ. Chặt chẽ ở đây không phải là chặt quá cho bung ra, chặt nhưng phải có một quy chế, cơ chế rõ ràng và để cho mở ra để phát triển. Rộng mở nhưng vẫn chặt chẽ và quản lý một cách thấu đáo, phải có kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh, rõ ràng.

Trong thời gian qua, khâu hoàn thiện thể chế, chúng ta phải có chính sách phát triển nguồn nhân lực để đào tạo, đào tạo như thế nào? cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ như thế nào? đào tạo liên kết, liên doanh trong nước, quốc tế như thế nào? ...Để các tổ chức quốc tế, các nước công nhận các bằng cấp của Việt Nam, đồng thời các bằng cấp của Việt Nam phải được công nhận ở quốc tế để chúng ta sánh vai cùng các nước.

Tạo đột phá phát triển ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam

Cái thứ hai, chúng ta cũng phải mở rộng thị trường, phải liên kết từ người có nhu cầu cùng những người cung cấp dịch vụ cho đến những người nhu cầu cung cấp các sản phẩm dịch vụ, mỹ phẩm. Đồng thời những nhà doanh nghiệp đó sản xuất phải gắn kết với nhau tức là chúng ta cùng đồng hành với nhau, cùng đi trên một con đường để cùng nhau tháo gỡ và phải đáp ứng được thị trường.

Nếu chúng ta đi đơn lẻ, chúng ta tự phát thì chắc chắn sẽ có một thời điểm nhất định thôi nên là chúng ta phải có chiến lược. Tôi nghĩ rằng Nhà nước phải có một chiến lược rõ ràng trong các nghề, trong nghề này phát triển đến mức độ nào, nguồn nhân lực ở đâu, thời điểm nào vào giai đoạn nào nếu chúng ta không định hướng, phải có khảo sát, đánh giá, kiểm tra, giám sát, đấy là định hướng trong thời gian tới.

Tôi cũng mong muốn rằng những người làm đẹp chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, cái chúng ta làm được rất nhiều, những cái chúng ta chưa làm được, tại sao chưa làm được, thiếu sót ở đâu?Tôi thấy rằng lỗi một phần cơ quan quản lý Nhà nước, như bản thân tôi cũng thấy có lỗi, thời điểm mà làm luật pháp chính sách tại sao lại không quy định vào thông tư rõ ràng hơn cho việc cấp chứng chỉ đó, hành nghề đó.

Nhưng vì, thời điểm đó quy định như thế là phù hợp, nhưng thời điểm nay chưa phù hợp thì chúng ta phải tiếp tục rà soát, tiếp tục sửa đổi, tiếp tục bổ sung. Chúng ta phải lắng nghe ý kiến và quan trọng nhất là luật nào phải hỏi đối tượng đó. Vậy thì phải hỏi người tiêu dùng xem họ cần như nào, hỏi những người trực tiếp hành nghề họ có nhu cầu gì, họ đang bảo với tôi rằng thiếu cơ chế, thiếu quy định vậy thì chúng ta phải quy định.

Chúng ta phải càng ngày rõ ràng hơn, mạch lạc hơn và nhu cầu đòi hỏi của nhân dân càng cao hơn và tất cả các vấn đề khi ảnh hưởng đến sức khỏe, ngăn cản quyền công dân thì luật định phải quy định chứ không phải chúng ta tùy tiện nói cái này cấm, cái này được, cái kia không được.

Tạo đột phá phát triển ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam

Thưa ông Phạm Trường Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mỹ phẩm S-Net Việt Nam. Ngành làm đẹp đang có một cuộc cải tiến mạnh mẽ để “phủ xanh” làn da, sức khỏe và môi trường sống từ bình dân đến các tín đồ sành điệu thì cần có sản phẩm “bền vững”? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Tuy nhiên, hiện nay, với công nghệ số phát triển, TMĐT đã thay đổi xu hướng tiêu dùng hiện đại những cũng kéo theo những rủi ro và với ngành mỹ phẩm cũng không ngoại lệ. Tỷ lệ hàng giả, hàng nhái, hàng không kiểm soát chất lượng tràn làn trên thị trường, đặc biệt là sàn TMĐT. Ông có thể đưa ra những giải pháp từ cái nhìn của doanh nghiệp?

Thực ra với một đơn vị nhập khẩu là một đơn vị kinh doanh trực tiếp trên ngành mỹ phẩm, ngành làm đẹp thì tôi thấy hiện nay thương mại hóa, thương mại điện tử là xu thế tất yếu, chúng ta không có cách nào khác là phải chạy theo.

Tuy nhiên, khi thị trường thay đổi nhanh quá thì cơ chế chính sách của chúng ta bị chạy theo sau. Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh của Việt Nam có một số vướng mắc đó là những sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải được đăng ký, được các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý rất chặt chẽ, các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trên những sản phẩm đó.

Tuy nhiên, hiện nay các sàn thương mại điện tử họ có thể nhập rất nhanh trực tiếp từ nước ngoài về, chắc chắn sẽ không qua đơn vị nào chịu trách nhiệm ở đây. Đấy là những hàng mang tính chính thống, những hàng có chất lượng nhưng không có đơn vị chịu trách nhiệm.

Hai nữa là rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái cũng trên các sàn thương mại đó họ có thể bán trực tiếp được, như thế không có tính cạnh tranh, tính công bằng, chưa nói tới việc bán hàng giả, hàng nhái cực kì đơn giản. Họ có thể lập một tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, bán xong họ có thể off và họ lại mở sản phẩm mới.

Nếu như chúng ta không có chính sách nhanh chóng thì thực sự những doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ gặp vấn đề rất lớn. Bởi vì mình không thể nào cạnh tranh được với sản phẩm đó và với góc độ doanh nghiệp của chúng tôi thì ngoài việc thương mại đơn thuần thì quan trọng phải giáo dục thị trường làm sao khách hàng của mình, những đối tượng khách hàng trực tiếp họ nâng cao được nhận thức tiêu dùng sản phẩm mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm. Từ đó khách hàng có thể phân định được, chọn lựa được một sản phẩm tốt.

Mỹ phẩm giống như thuốc, nó cũng có những hoạt chất, nhiều khi chỉ dùng quá tay hoặc quá đà sẽ có những hậu quả không mong muốn. Do vậy, ở góc độ chúng tôi chỉ đơn giản là giáo dục, ngoài việc kinh doanh thì phải truyền tải thông tin, giáo dục thị trường làm sao người tiêu dùng có thể nhận thức được cao hơn.

Tạo đột phá phát triển ngành mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp Việt Nam

Thưa ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, sử dụng sản phẩm thiên nhiên đang là xu hướng của thế giới, với ngành mỹ phẩm cũng không ngoại lệ. Người tiêu dùng hiện nay đánh giá cao tính an toàn, thân thiện với môi trường, và cung cấp lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp. Nhận định của ông về vấn đề này? Xu hướng mỹ phẩm từ chiết xuất thiên nhiên lên ngôi, nhưng sản phẩm gặp không ít thách thức trên thị trường? Ông có thể đưa ra những bất cập và giải pháp?

Thứ nhất, thách thức đối với mỹ phẩm thiên nhiên là công nghệ, không phải là mọi người cứ nấu nước tinh dầu ở nhà, được vài ngày là thối ngay. Đầu tiên là công nghệ, làm ra một sản phẩm từ thiên nhiên không phải dễ, và khâu bảo quản nó càng không dễ, do đó nếu chúng ta không có công nghệ thì chúng ta rất khó làm sản phẩm thiên nhiên.

Tại sao sản phẩm thiên nhiên đắt, ví dụ cái áo tơ tằm rất đắt nhưng cái áo sợi nilon tổng hợp từ hóa học dầu mỏ thì rất rẻ, cũng giống như mỹ phẩm thiên nhiên, nó đắt hơn nhiều lần so với mỹ phẩm bình thường, truyền thống hay là mỹ phẩm từ công nghệ dầu mỏ, công nghệ hóa học. Bởi vì một là nó rất khó, hai là cây cỏ tự nhiên thì chúng ta biết rồi không phải có thể làm hàng loạt giống như sản xuất ra một triệu cái lọ giống nhau như đúc.

Thiên nhiên rất khó tính, mùa này có thể thế này, mùa sau nó khác. Vùng này cây hoa cúc mọc nhưng cây hoa cúc ở vùng khác nó khác, cho nên nếu không có công nghệ cao, không có công nghệ chiết xuất cao thì rất khó làm. Đấy là thách thức đầu tiên, cho nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ để mà đầu tư được công nghệ cao thì quả là khó.

Cái thứ hai, là nguồn gốc của nguyên liệu, chúng ta biết hiện nay các cây không còn tự nhiên, không còn organic nữa, nào là phân bón hóa học, nào là thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi thu hái rồi đem đi chiếu xạ, rất khó khăn trong việc có được nguyên liệu. Đó là cái thách thức về nguyên liệu.

Thách thức thứ 3 là không có hành lang pháp lý rõ ràng. Ngành làm đẹp là ngành liên quan không chỉ tới sức khỏe mà còn liên quan đến tính mạng, nên phải có một hành lang pháp lý, không thể đua nhau làm được. Thứ hai, nhân sự để cho ngành làm đẹp đã khó rồi, nhân sự để làm ra công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ chiết xuất bằng CO2 còn khó hơn, thậm chí chúng ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Thách thức thứ 4 là nguồn nhân lực chất lượng cao, rất cao.

Với 4 thách thức lớn như thế, thách thức về sản phẩm, thách thức về pháp lý, thách thức về nhân lực và đặc biệt thách thức cuối cùng là thị trường. Đất nước chúng ta thu nhập bình quân có mấy nghìn đô/năm, thu nhập không cẩn thận là nằm trong "bẫy" trung bình, không thoát khỏi "bẫy" trung bình chúng ta sẽ rất mệt mỏi. Như vậy để tiêu dùng các sản phẩm thiên nhiên, mỹ phẩm thiên nhiên không phải cái mà ai cũng có thể phổ cập được.

Đó là 4 thách thức nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta vượt qua 4 thách thức này thì chúng ta có thể phát triển, vì đây là một trend trên thế giới, nếu chúng ta không bán ở Việt Nam chúng ta có thể bán ở Nhật, chúng ta bán ở Mỹ.

Ngay ở Viện mỹ phẩm thiên nhiên và một số doanh nghiệp tại sao họ đưa sang Việt Nam sản xuất tại vì chúng ta có nguồn nguyên liệu dồi dào và chúng ta cũng có một số công nghệ mà ở Nhật Bản cũng không có. Đó là cái chúng ta có thể toàn cầu hóa việc sản xuất trong nước, thị trường trong nước không phải thị trường đích mà thị trường nước ngoài EU, Mỹ, Bắc Á. Đấy là những thách thức và giải pháp.

Đoàn Mây

Đồ họa: Lệ Mai