"Lão bà" nghệ nhân với tuyệt kỹ huấn luyện tằm dệt lụa
Kỳ tích huấn luyện cho tằm dệt lụa của nghệ nhân nhân Phan Thị Thuận (Hà Nội) từng làm ngạc nhiên cả những bậc gạo cội trong nghệ dệt. |
Giữ lửa làng nghề
Đến với làng nghề truyền thống dệt lụa tơ tằm thuộc xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), gặp nghệ nhân Phan Thị Thuận (67 tuổi) người đã nghiên cứu, tìm tòi để phát triển nghề dệt lụa tơ tằm, đồng thời giúp đỡ được hàng chục người dân có công ăn việc làm ổn định. |
Luôn tìm tòi những hướng đi mới và sáng tạo trên nên tảng nghề dệt truyền thống nên những sản phẩm từ lụa tơ tằm của làng nghề luôn được đón nhận. Hiện nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thành công khi tạo ra các sản phẩm chăn bông, áo bông tơ tằm… với hàng nghìn con tằm đang tự dệt. Mỗi khi sản phẩm đưa ra thị trường được rất nhiều người quan tâm và yêu thích. Những con tằm đang trong thời điểm kén tơ tạo thành những tấm kén lớn. Còn những con tằm không đủ tiêu chuẩn làm thợ sẽ được chọn lọc kĩ lưỡng làm thương phẩm. |
Theo bà Thuận để huấn luyện được những con tằm dệt lụa mất khá nhiều thời gian và công sức. Bà Thuận cho biết: “Những con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp, lại tiết kiệm được chi phí nhờ giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp như kéo kén, ươm tơ, cào bông…”. Thành công nối tiếp thành công, từ đó bà Thuận đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao. Đặc biệt, sản phẩm chăn bông, vải lụa tơ tằm của bà đã có mặt ở những thị trường khó tính như: Nhật, Thái Lan, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út... |
Theo bà Thuận, nghề dệt lụa không những kiếm thêm thu nhập mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân quanh vùng. Mỗi dịp hè có hàng trăm cháu được bố mẹ gửi gắm đến với bà Thuận thông qua các lớp học đó các cháu hiểu hơn về nghề của cha ông. Công đoạn kéo ra tơ được nghệ nhân U70 thực hiện nhẹ nhàng vì những sợi tơ tằm được kéo phải có liên kết, nếu làm mạnh sẽ đứt và rất khó thành sợi. Công đoạn cuối cùng là dệt thành tấm lụa trên máy. Với những tấm lụa có hoa văn chìm, người đứng máy phải khéo léo tạo tác ngay khi đưa đẩy con thoi và liên tục phải kiểm tra chất lượng sợi tơ khi chuẩn bị ra thành phẩm. |
tận tụy như con tằm nhả tơ cho đời
Bà Thuận cho biết: "Hiện tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, làm sao để nâng cao chất lượng, rút ngắn các công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, đây là việc khó, nên đòi hỏi nhiều thời gian, công sức". Nghệ nhân Thuận trực tiếp kiểm tra những sợi tơ. “Công đoạn này rất quan trọng vì ảnh hưởng đến chất lượng khi ra sản phẩm. Với tôi, phải đưa sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất đến tay người tiêu dùng”, bà Thuận nói. Những tấm lụa tơ tằm với nhiều mẫu mã đang chờ đưa ra thị trường. “Thị trường lụa tơ tằm rất kén người dùng nên tôi phải tạo ra nhiều mẫu mã mới lạ, đặc sắc thu hút khách hàng”, bà Thuận chia sẻ. |
Nghệ nhân Thuận kỳ vọng việc sản xuất sợi tơ tằm mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế và mở thêm nhiều cơ sở mới nhằm giúp người nông dân có thêm công việc, ổn định kinh tế. Đến với Phùng Xá, Mỹ Đức, nghe tiếng khung cửi dệt lụa của những người lao động cần mẫn ven bên dòng sông Đáy , được nghe câu chuyện làm nghề, giữ nghề, sống với nghề của Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Thuận mới thấm thía được những tình cảm mà những con người đã dành cho quê hương, đất nước. |
Đối với Nghệ nhân Phan Thị Thuận, mảnh đất, dòng nước quê hương là động lực hun đúc tình yêu, sức sáng tạo để bà có thể gìn giữ, phát triển nghề dệt tơ tằm cho đến nay và truyền lại nó cho con cháu đời sau. |
Thị trường lụa tơ tằm rất kén người dùng nên tôi phải tạo ra nhiều mẫu mã mới lạ, đặc sắc thu hút khách hàng Nghệ nhân Phan Thị Thuận |
Bài: Bình Châu Ảnh: Ngô Nhung Đồ họa: Tiến Thành |