Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội thông tin, để chủ động kiểm soát thị trường trong mùa mưa bão, góp phần bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm trục lợi… |
Sau khi cơn bão Yagi (số 3) đổ bộ, gây ảnh hưởng nghiêm trong đến kinh tế xã hội, đồng thời tạo ra nhiều sự biến động đáng kể đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng, vật tư phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị, đồ gia dụng...phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp ,… gây ra nhiều lo ngại bất ổn trong đời sống hàng ngày. Để có góc nhìn đa chiều hơn về thị trường hàng hóa trong thời điểm bão lũ, Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã có cuộc trao đổi với ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội. |
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cung ứng đủ hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ… Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ và phân phối hàng hóa tuân thủ quy định về giá cả. Vậy Cục Quản lý thị trường cho biết, có trường hợp nào bị xử lý vi phạm không? Nếu có vi phạm, ông có thể chia sẻ thông tin? - Đến nay, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội ghi nhận chưa có trường hợp nào bị xử lý vi phạm về việc tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, để chủ động thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong mùa mưa bão. Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh và hàng hoá lưu thông trên thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, hệ thống cửa hàng bán lẻ và địa điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong thời gian xảy ra thiên tai, bão lũ như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, các vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh... Qua đó, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, thu gom hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý để trục lợi. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng, ban ngành, các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. |
Theo báo cáo của Quản lý thị trường Hà Nội, trong mấy ngày qua (6 - 14/9) tình hình thị trường trên địa bàn tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá. Xin mời ông chia sẻ ý kiến về nội dung trên. - Với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ ngành trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm, kiểm soát thị trường hàng hóa không để xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá qua đó giúp tình hình thị trường tương đối ổn định. Đối với lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội trong thời gian qua đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ công thương, Tổng cục Quản lý thị trường về tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường sau hậu quả của cơn bão số 3 (Bão Yagi) năm 2024. Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai ngay các nhiệm vụ tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn Thủ đô góp phần vào ổn định thị trường hàng hóa. |
Thưa ông, theo Công điện số 6815/CĐ-BCT của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong thời gian qua Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, giữ ổn định thị trường trên địa bàn ra sao? - Thực hiện Công điện số 6815/CĐ-BCT ngày 08/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường tại một số tỉnh, thành sau hậu quả của cơn bão số 3 (Bão Yagi) năm 2024 và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường triển khai ngay các nhiệm vụ tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn Thủ đô, cụ thể: - Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm trục lợi; phối hợp đảm bảo ổn định thị trường giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bản Thành phố. - Tăng cường công tác quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng, vật tư phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng… - Thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình thị trường; phân công lãnh đạo công chức Quản lý thị trường (trực 24/24h) theo dõi, năm bắt, giám sát để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão số 3 (Bão Yagi) gây ra để thu lời bất chính. |
Chuẩn bị bước vào thời điểm cuối năm, thời điểm này nhu cầu mua sắm của người dân, doanh nghiệp tăng cao, tạo điều kiện cho hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường. Xin ông cho biết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ triển khai những biện pháp gì để đảm bảo ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước, trong, và sau Tết Nguyên đán Át Tỵ năm 2025? - Nhằm góp phần ổn định tình hình thị trường hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố, phục vụ nhu cầu mua sắm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trong những tháng cuối năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục ban hành kế hoạch và văn bản chỉ đạo cụ thể triển khai đợt cao điểm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Ất Tỵ năm 2025 với mục tiêu phối hợp với các lực lượng chức năng, các ngành trên địa bàn thành phố, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, vi phạm về chất lượng…; bảo đảm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây khan hiếm, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Đồng thời, lực lượng chức năng tăng cường giám sát, truy tìm các đường dây và kho bãi tập kết hàng hóa, đặc biệt chú trọng đến các hoạt động bán hàng online, livestream trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok,.. và các đầu mối vận chuyển qua bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa. Mục tiêu là xác định nguồn gốc hàng hóa, ngăn chặn hiệu quả và kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. - Xin cảm ơn ông vì những trao đổi này! |
Hà Quỳnh Đồ họa: Thanh Tùng |