Nhiệt kế thủy ngân – vật dụng y tế phổ biến trong tủ thuốc mỗi gia đình Việt nhưng ẩn chứa những nguy hiểm khôn lường. Mới đây, trường hợp bệnh nhân L.T.H (Hải Phòng) suýt phải cắt bỏ một phần tay do nhiễm độc thuỷ ngân từ nhiệt kế vỡ, đâm trực tiếp vào ngón tay.
Thủy ngân trong nhiệt kế tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm
Theo các chuyên gia, thủy ngân là một kim loại ở dạng lỏng, màu trắng bạc, không mùi, bay hơi chậm ở nhiệt độ phòng (25 độ C). Một cây nhiệt kế thủy ngân chỉ chứa hàm lượng thủy ngân khoảng 0.61 grams (theo EPA).
Thủy ngân ở dạng khí bay hơi rất độc đối với cơ thể người. Thông thường, thủy ngân trong nhiệt kế được sử dụng là loại thủy ngân nguyên chất rất độc hại. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp khác nhau mà vỡ nhiệt kế thủy ngân sẽ gây ngộ độc thủy ngân với mức độ nguy hiểm khác nhau.
Ở Việt Nam, nhiệt kế thủy ngân là dụng cụ được sử dụng đo thân nhiệt rất phổ biến ở hầu hết mỗi gia đình. Ngay cả các cơ sở y tế từ phòng khám đến các bệnh viện. Điều đáng nói là chất liệu chính làm nên nhiệt kế là thủy tinh nên rất dễ vỡ và khi đó, lượng lớn thủy ngân ở bên trong sẽ phát tán ra môi trường làm tăng nguy cơ ngộ độc.
Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa thông tin trường hợp bệnh nhân L.T.H (sinh năm 1990, trú tại Hải Phòng) bị nhiễm độc thủy ngân từ nhiệt kế vỡ, đâm trực tiếp vào ngón tay. Theo lời kể bệnh nhân, trong quá trình chuẩn bị đo nhiệt độ cho con bị sốt cao, bệnh nhân đã vẩy nhiệt kế để cột thủy ngân trở về mức bình thường. Đầu chứa thủy ngân của nhiệt kế đã không may chọc mạnh vào ngón trỏ bàn tay trái, dẫn tới đầu nhiệt kế vỡ, đồng thời cắm vào ngón tay và thủy ngân xâm nhập vào sâu trong ngón tay.
Tuy nhiên, do không để ý, nên bệnh nhân không đến bệnh viện kiểm tra. Khi ngón tay sưng mủ, áp xe bệnh nhân mới đến bệnh viện địa phương và được tư vấn vào Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, bệnh nhân đã được khám, làm các xét nghiệm, chụp X-quang cho thấy thủy ngân đang tập trung ở trong tổ chức phần mềm dưới da của ngón tay trỏ bên trái và chưa gây nhiễm độc toàn thân. Đơn vị đã hội chẩn và phối hợp cùng các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để mổ khẩn cấp cho bệnh nhân.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến – Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết : Thủy ngân là một trong những kim loại nặng độc đầu bảng. Thủy ngân vào cơ thể dễ dàng qua đường tiêu hóa, qua da và đường hô hấp (trừ loại thủy ngân kim loại từ nhiệt kế về cơ bản không hấp thu).
Khi đã vào cơ thể thì mất nhiều tháng, thậm chí có một số dạng thủy ngân ở não mất nhiều năm đến nhiều thập kỷ mới đào thải hết.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến, trong trường hợp hạt thủy ngân không được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân, sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, gây viêm nhiễm tại chỗ, thậm chí có trường hợp gây hoại tử phải cắt bỏ chi.
"Thủy ngân tồn tại trong mô sẽ hấp thu dần vào trong máu dẫn đến tình trạng ngộ độc thủy ngân. Nếu để kéo dài bệnh nhân có thể tổn thương não, tổn thương tim, tổn thương cơ…", bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến nói thêm.
CHuyên giA cảnh báo
Từ trường hợp của bệnh nhân L.T.H, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến – Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai khuyến cáo: Chỉ cần một lượng rất nhỏ thủy ngân vào trong cơ thể cũng có thể gây nguy hiểm. Chính vì vậy khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân người dân cần cẩn thận không để vỡ, nếu không may bị vỡ cần xử lý đúng cách. Đặc biệt khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân cho trẻ cần có sự giám sát của người lớn, không để trẻ tự ý sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến – Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai |
Ngoài ra, người dân có thể tiến tới ưu tiên dùng nhiệt kế điện tử thay cho loại nhiệt kế thủy ngân, tuy nhiên cần lựa chọn sản phẩm có chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh xa các thuốc y học cổ truyền có chứa thành phần thủy ngân. Cơ quan quản lý cần nhanh chóng loại bỏ các vị thuốc là các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen ra khỏi danh mục các vị thuốc y học cổ truyền, ngừng sản xuất lưu hành nhiệt kế và các dụng cụ đo lường có chứa thủy ngân và thay thế bằng vật liệu an toàn.
Một vài điều cần lưu ý trong trường hợp nhiệt kế bị vỡ
Trong các tai nạn vỡ nhiệt kế thủy ngân, để tránh ngộ độc khi thủy ngân bốc hơi, điều quan trọng nhất là phải nhanh chóng đưa trẻ và người thân đến khu vực an toàn. Sau đó thay quần áo cũ, đeo găng tay cao su, khẩu trang y tế và bắt đầu thu dọn thủy ngân.
Đặc biệt, tuyệt đối không được dùng máy hút bụi để hút thủy ngân vì khi đó thủy ngân bị làm nóng, bay hơi rất dễ gây nhiễm độc. Thay vào đó Dùng que bông ướt hoặc giấy mỏng thu gom thủy ngân lại, cho các hạt thủy ngân vào lọ thủy tinh bịt kín. Nếu có thể nên rắc một ít bột lưu huỳnh vì lưu huỳnh phản ứng với thủy ngân tạo thành hợp chất khó bốc hơi hơn. Nếu không có lưu huỳnh có thể thay bằng lòng đỏ trứng gà, cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Thu dọn xong phải mở hết cửa để khu vực thông thoáng trong vài giờ, sau đó mới có thể vào sinh hoạt như bình thường.
Sau khi thu hồi thủy ngân, lọ thủy tinh chứa thủy ngân phải được bịt kín, bọc nhiều lớp nylong, dán băng dính và ghi chú rõ bằng nhãn ở bên ngoài rồi mới để trong thùng rác phân loại. Tuyệt đối không được đổ thủy ngân đã thu dọn xuống các cống rãnh vì sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.
Quần áo đã dính thủy ngân nên loại bỏ, nếu muốn sử dụng trở lại phải giặt thật kỹ. Nên ngâm trong nước lạnh 30 phút, sau đó ngâm 30 phút trong nước xà phòng nhiệt độ 770-80 độ, ngâm tiếp 20 phút trong nước nhiệt độ cao pha hóa chất. Cuối cùng xả bằng nước lạnh.
Đặc biệt, mọi người nên đến các cơ sở y tế để theo dõi và điều trị khi tiếp xúc với thủy ngân có dấu hiệu ngộ dộc.
Trước sự nguy hiểm của thuỷ ngân, tại Châu Âu từ năm 2007, các vật dụng có sử dụng thuỷ ngân như: pin, đồng hồ, thiết bị đo áp lực, đặc biệt là nhiệt kế đã được thu hẹp, hạn chế và cấm sản xuất. Tại Mỹ nhiều bang còn có quy định quản lý, cấm và hạn chế sả thải nhiệt kế thuỷ ngân, các thiết bị có chứa thuỷ ngân ra môi trường. |
Nội dung: Quỳnh Đinh Kỹ thuật, đồ họa: Quỳnh Đinh |