Qua các dấu tích và tài liệu khảo cổ cho thấy con người có xuất hiện trong khu vực Vịnh Hạ Long từ rất sớm.
Văn hóa Soi Nhụ: Có niên đại cách ngày nay 18.000 – 7.000 năm và sinh sống chủ yếu trong các hang động thuộc Vịnh Hạ Long, Bái tử Long ngày nay. Trong thời kỳ đồ đá con người đã chuyển sang săn bắt, hái lượm công cụ lao động được chế tác bằng đá với kỹ thuật chế tác đơn giản bằng phương pháp ghè đẽo một mặt, phương pháp chặt bẻ và rất ít tu sửa.
![]() | |
|
Văn hóa Cái Bèo: Có niên đại cách ngày nay 7000 - 5000 năm. Cư dân thời kỳ này cư trú chủ yếu trên bờ vũng vịnh kín gió xung quanh là núi đá vôi. Họ đã biết khai thác hải sản biển ven bờ và sau đó là kết hợp với các phương thức kiếm sống truyền thống như săn bắt thú rừng, thu lượm rau củ, hoa quả trong thiên nhiên. Về công cụ lao động rất đơn giản, tuy nhiên đã có ý thức tạo hình công cụ lao động. Cũng là thời kỳ thể hiện bước phát triển mạnh mẽ của người tiền sử.
![]() |
Di chỉ văn hóa Cái Bèo |
Văn hóa Hạ Long: Có niên đại 4500 - 3500 năm cách ngày nay và được chia ra làm 2 giai đoạn: sớm và muộn.
Giai đoạn sớm: Do nước biển dâng cao (khoảng 6000 - 5000 năm trước), đợt biển dâng này làm mất đi môi trường sống quen thuộc của cư dân văn hoá Cái Bèo, khiến cho một bộ phận cư dân phải di chuyển lên phía Đông Bắc và những vùng đất cao hơn. Từ đó hình thành nên giai đoạn sớm của văn hóa Hạ Long. Giai đoạn này họ chủ yếu là săn bắt, hái lượm, canh tác, trồng cây lấy sợi, rau củ quả, tăng cường khai thác biển.
![]() |
Di chỉ văn hóa Hạ Long |
Giai đoạn muộn: Do mực nước biển dâng cực đại rồi sau đó rút dần (trong khoảng 4000 - 3000 năm trước). Khi biển lùi, các cư dân văn hóa Hạ Long giai đoạn sớm có sự chuyển cư ngược lại các đảo. Địa bàn cư trú của cư dân văn hóa giai đoạn muộn tương đối phong phú, bao gồm: hang động, chân núi ven biển, doi cát, các bậc thềm và mặt đồng bằng cổ.
Phương thức kiếm sống của cư dân văn hóa Hạ Long giai đoạn muộn đã cơ bản gắn với môi trường biển cả, kết hợp duy trì phương thức kiếm sống trên cạn. Công cụ lao động chủ yếu bằng đá, kỹ thuật chế tác ở trình độ cao.
Nghề thủ công cực kỳ phát triển với hoa văn trang trí chủ yếu là văn thừng, các dải hoa văn đắp nổi, văn khắc vạch, gắn đắp chân đế. Đồ gốm phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hoa văn trang trí tạo ra đặc trưng riêng của văn hóa Hạ Long.
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, vết tích của người tiền sử còn lưu giữ tại các hang động như: Hang Tiên Ông, hang Trống, hang Trinh Nữ, hang Bồ Nâu, động Mê Cung, động Thiên Long … là một trong những bằng chứng sinh động về phương thức cư trú, sinh sống trong hang động của người tiền sử sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới thăm quan.
Văn hoá Hạ Long - theo các nhà khảo cổ - về bản chất là một văn hoá biển, tồn tại và phát triển bao giờ cũng rất năng động trong các mối giao lưu, hội nhập và thích ứng văn hoá. Văn hoá Hạ Long là một trong 4 nền văn hoá biển tiền sử Việt Nam gồm: Hạ Long (Quảng Ninh), Hoa Lộc (Thanh Hoá), Bàu Chó (Quảng Bình), Xóm Cồn (Khánh Hoà), có vị trí hết sức quan trọng trong nền cảnh văn hoá tiền sử Việt Nam. Theo TS. Hà Hữu Nga, văn hóa Soi Nhụ có niên đại tương đương với văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn của Việt Nam có nguồn gốc từ 25.000 năm trước, ngang với văn hóa Ngờm khu vục Võ Nhai, Thái Nguyên. Văn hóa Soi Nhụ phân bố trong khu vực các đảo đá vôi của Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trên các địa phận huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng. |