Bình Liêu (Quảng Ninh): "Thiên đường cỏ lau" thu hút du khách tới check in Bỏ phố về quê, chàng kỹ sư CNTT kiếm tiền tỷ nhờ mô hình nuôi gà Quảng Ninh: Phát triển ngành du lịch không có mùa vụ 2022 |
![]() |
Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng soóng cọ (Tiên Yên) |
Để những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển, các mô hình du lịch cộng đồng được xem là giải pháp hữu hiệu và cần thiết. Trên cơ sở khai thác những giá trị văn hóa, nhân lực ngay tại địa bàn. Từ đó, du lịch cộng đồng tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực về sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Với nhà truyền thống cộng đồng người Dao đã được khánh thành năm 2020 tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, với tổng diện tích 1.600m2, được xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công trình được xây dựng theo đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Nhà truyền thống cộng đồng người Dao có không gian văn hóa Dao với nhiều bức tượng sáp kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hằng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng, dụng cụ của người Dao xưa và nay.
Tại đây, người dân đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Bàn Vương, lễ mừng cơm mới… cũng như tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc những tưởng đã bị mai một như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày…
![]() |
|
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ba Chẽ đón khoảng 15.000 lượt du khách, gần nửa số đó đến Nhà truyền thống cộng đồng người Dao. Trong đó, chỉ riêng Lễ hội Bàn Vương - lễ hội lớn của người Dao ở Ba Chẽ, số lượng du khách đến với Nhà truyền thống cộng đồng người Dao là khoảng 3.000 lượt.
Huyện Tiên Yên đã khánh thành Nhà văn hóa xã Đại Dực, gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ. Đây là nơi diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng soóng cọ 2022 và cũng sẽ là nơi lưu giữ, tái hiện các phong tục truyền thống của người Sán Chỉ. Du khách đến tham quan chắc chắn sẽ có được những trải nghiệm chân thực, rõ nét nhất.
Được biết, mô hình Làng văn hóa dân tộc Tày (thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cũng đang được nghiên cứu xây dựng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đặc biệt tại Bình Liêu - địa phương có tới 58,4% dân số là người Tày, với rất nhiều truyền thống đặc sắc.
![]() |
Một số điểm Du lịch Quảng Ninh |
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Thùy Yên, giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững.
Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh sẽ tập trung vào việc đánh giá và rà soát kết quả thực hiện các chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Cùng với các đề án bảo tồn văn hóa gắn với du lịch cộng đồng của tỉnh, các mô hình du lịch theo hướng gắn với văn hóa bản địa cũng đang được các địa phương, doanh nghiệp và người dân bắt đầu quan tâm khai thác. Tại Bình Liêu, một số homestay như Sông Moóc, A Dào, Hoa Sở… đã trở nên quen thuộc trong các tour du lịch đến với “Thiên đường cỏ lau”.
Khai thác các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa bản địa là hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch bền vững. Thông qua đó, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ lâu đời đều được bảo tồn nguyên vẹn và phát triển thành những sản phẩm du lịch “xanh”; gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt đề án "Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh".Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững. |