Đối với những người làm ăn, kinh doanh, ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm là ngày đặc biệt quan trọng để cúng vía Thần Tài, cầu cho một năm mới buôn bán thuận lợi, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên không phải ai cũng biết chuẩn bị gì để mâm cúng đủ đầy, “hợp ý” Thần Tài nhất.
Ngày thường, có dâng lên Thần Tài những món chay hoặc đơn giản với trái cây, thế nhưng vào ngày vía Thần Tài thì bắt buộc phải là mâm cỗ mặn với đầy đủ tam sên bởi Thần Tài là vị thần của sự vương giả, giàu có nên không thể chuẩn bị mâm cỗ sơ sài.
![]() |
Mâm cúng Thần Tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng không nên sơ sài |
Bộ tam sên có hai ý nghĩa chính đó là nhờ vào trời đất cầu chúc sự bình an cho gia đình, tài lộc nhanh đến và thể hiện sự thành tâm của chủ nhà, khi đã dành thời gian và công sức để sắp xếp đồ cúng. Tam sên được hiểu là 3 loài vật sinh sống ở 3 môi trường hoàn toàn khác nhau gồm: Loài vật sống trên mặt đất (tượng trưng cho Thổ), loài vật sống dưới nước (tượng trưng cho Thủy) và loài sống trên trời (tượng trưng cho Thiên).
Mâm cỗ cúng Thần Tài đầy đủ nhất gồm những gì?
Bộ tam sên với 3 món: 300 gr thịt lợn (có thể luộc hoặc quay), 3 quả trứng luộc (trứng gà hoặc trứng vịt) và 3 con tôm hoặc cua luộc. Ở miền Nam, nhiều người dân thờ chung thần Tài với ông Thổ địa nên họ còn chuẩn bị thêm cá lóc nướng để dâng lên bàn thờ. Cá lóc được để nguyên trạng để nhắc nhớ rằng ông cha mình từng rất thiếu thốn, khó khăn trong buổi đầu khai hoang, không nề hà chuyện để cá nguyên vảy, cả con.
![]() |
Tương truyền, Thần Tài rất thích ăn thịt lợn quay khi lưu lạc ở hạ giới nên đây trở thành món ăn không thể thiếu trên mâm cúng |
Mâm ngũ quả: Có thể chọn các quả như cam, xoài, thanh long, táo, dưa hấu... Bên cạnh đó, không thể thiếu một lọ hoa tươi có màu sắc rực rỡ. Hoa cúc, hoa ly, hoa đồng tiền là những loại hoa thường được lựa chọn.
Một bộ giấy tiền, vàng mã.
Thuốc lá: cả bao và có 2 điếu thuốc thò đầu ra
Hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy được đặt ở giữa hai tượng thần Tài - Thổ địa. Đây là những vật tượng trưng cho cuộc sống no đủ, êm ấm, được đặt từ đầu năm tới cuối năm mới đem thay.
Ngoài ra, mâm cúng ngày vía thần Tài còn có khay vàng giấy, hai bát hương, hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu.
Một số gia đình còn mua vàng đặt lên bàn thờ Thần Tài để cầu may, sau khi cúng xong sẽ mang lên người để mong một năm gặp nhiều tài lộc may mắn.
Những lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng Thần Tài
![]() |
Một số gia đình mua vàng đặt lên mâm cúng Thần Tài để cầu may |
Nước: Chén để nước cần rửa sạch trước khi lấy nước mới. Có thể xếp 5 chén nước xếp hình chữ thập, tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phương phát triển. Nước không để quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm. Cẩn thận không để nước tràn ra hoặc đổ lên bàn.
Hoa: Không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt.
Quả: Không dùng quả nhựa mà nên cúng thần Tài bằng quả tươi, ngon. Nên mua 5 loại trái cây khác nhau để sắp lên mâm cúng, những trái đó thường có mang ý nghĩa phong thuỷ giống với điều bạn mong muốn. Ví dụ như: táo đại diện cho sự hoà hợp trong các mối quan hệ, đào đại diện cho sự dồi dào sức khoẻ, sống trường thọ, cam mang lại sự giàu sang, phú quý cho gia chủ,...
Có thể thêm xôi và chè trôi nước trên mâm cỗ cúng Thần Tài với niềm tin rằng việc làm ăn, buôn bán trôi chảy.
Tuyệt đối không cúng Thần Tài những món có mùi nồng như mắm tôm, cá khô, sầu riêng,... Những món có mùi nặng sẽ thu hút ruồi bọ tới, làm ô uế bàn thờ Thần Tài và được xem là không may mắn.