Về dự Khai hội Thái Miếu nhà Trần năm 2023 có ông Nguyễn Đức Long – Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương có liên quan; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Vinh – Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Công – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Đông Triều… Đại diện Ban chấp hành Họ Trần tỉnh Quảng Ninh; Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh… và đông đảo nhân dân, du khách thập phương.
Trong 175 năm trị vì đất nước (từ năm 1225 đến năm 1400), nhà Trần đã xây dựng Đại Việt trở thành một đất nước hùng cường, để lại những mốc son sáng cho dân tộc.
![]() |
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Lễ hội Thái miếu được phục dựng và tổ chức lại lần đầu vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm.
Lễ hội Thái miếu nhà Trần là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng về cội nguồn, trong hành trình về với Ngoạ Vân- nơi Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hoá phật.
Thông qua Lễ hội để bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức các bậc tiền nhân và các vua Trần - một triều đại thịnh trị trong lịch sử Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Ngoãn - Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều thông tin với báo chí: Thái Miếu là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Triều đại nhà Trần đã khai sáng nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, với tư tưởng cư trần lạc đạo, làm nền tảng tư tưởng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam tới cấp độ Quốc giáo.
Năm 2023, sau 03 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid 19 Lễ hội Thái Miếu được tổ chức với quy mô cấp thị xã. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (từ 8/2 đến hết 10/2 tức từ ngày 18/ đến hết ngày 20/1 năm Quý Mão) với nhiều nghi lễ trang nghiêm, như: Lễ tế mở cửa đền, Lễ thỉnh vua, Lễ cáo yết, Lễ bảo thần( lễ khai ấn), nghi lễ tế của các đội tế.
Phần hội gồm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, như: Ngày hội thơ và nhạc, mừng đảng, mừng xuân, Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa xã An Sinh, giao lưu cờ cây, kéo co, tung còn, đi cầu kiều, đu quay,... thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Năm 1237, vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) đã ban cho anh trai mình là Trần Liễu vùng đất Ngũ Yên (Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Bang và Yên Hưng) để làm đất thang mộc và phong cho Trần Liễu là An Sinh Vương. An Sinh Vương Trần Liễu đã cho xây dựng điện An Sinh và nhiều công trình phủ đệ tại đây. Đồng thời, ông cho xây dựng Tiên miếu (tức Thái miếu) để thờ cúng tổ tiên và cha của mình là đức Thái Tổ Trần Thừa. Thái Miếu tọa lạc trên đồi Đình, thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Qua nghiên cứu cho thấy, di tích Thái Miếu được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIII, sau khi Trần Thái Tông lấy vùng đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang ban cho Trần Liễu làm đất thang mộc. Từ Tiên Miếu (nơi thờ tổ tiên), sang đầu thế kỷ XIV, nơi đây dần trở thành Thái Miếu (nơi thờ cúng của cả hoàng tộc). Càng về sau, quy mô kiến trúc của công trình càng được mở rộng hơn. Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013) |